Trích - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của BCH Trung ương Đảng về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 (7/1961)
03:06 PM 31/10/2015 | Lượt xem: 4962 In bài viết |Trích - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 (tháng 7/1961)
. . . . . . . . . .
Phần thứ ba NHIỆM VỤ CỤ THỂ, BIỆN PHÁP KỸ THUẬT VÀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP
. . . . . . . . . .
2. Phát triển nông nghiệp ở miền núi:
Căn cứ vào nhiệm vụ và phương hướng phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ở miền núi phải phát triển mạnh nhằm xây dựng dần dần miền núi thành những vùng nông nghiệp mới có tính chất toàn diện. Hướng phát triển nông nghiệp miền núi là bảo đảm tự giải quyết lương thực, đặc biệt phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, phát triển việc trồng rừng và khai thác rừng. Trong 5 năm với việc phát huy lực lượng lao động ở miền núi, phát triển các nông trường và lâm trường quốc doanh, tổ chức khai hoang bằng nhiều hình thức, chúng ta phải bước đầu làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp miền núi, biến nền kinh tế vốn tự cấp dần dần trở thành một nền kinh tế phát triển toàn diện và có nhiều sản phẩm hàng hoá.
Để phát triển nông nghiệp miền núi, phải vừa chú ý vùng thấp, vừa chú ý đặc biệt đến vùng cao, có kế hoạch thích hợp cho từng vùng. Riêng ở vùng cao, cần có kế hoạch giúp đỡ phát triển những ngành thích hợp như lương thực, chăn nuôi và một số cây công nghiệp chịu lạnh, khai thác lâm thổ sản, đồng thời thực hiện từng bước việc định cư, định canh một cách thích hợp, giúp đỡ đồng bào phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp, đi vào con đường làm ăn có tổ chức và cải thiện đời sống. Nhà nước cần có đầu tư thích đáng cho nông nghiệp miền núi, chú ý đến các vấn đề thuỷ lợi, giao thông, chế biến và tiêu thụ nông sản. Cần giúp đỡ việc xây dựng công nghiệp địa phương cho khu, tỉnh, một số châu và một số hợp tác xã lớn có đủ điều kiện, để có thêm tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt của địa phương, đỡ bớt việc chuyên chở từ xa đến, vừa khó khăn, vừa tốn kém.
Điều tra nghiên cứu kỹ những khả năng cụ thể của miền núi để đặt kế hoạch cho sát, đưa dần miền núi tiến kịp miền xuôi.
Cần chuẩn bị một cuộc hội nghị riêng bàn về vấn đề phát triển nông nghiệp ở miền núi
. . . . . . . . . . .
Phần thứ tư TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH
1. Củng cố và phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp
. . . . . . . . . .
Đối với miền núi, ngoài những điều kiện về quản lý, việc mở rộng quy mô hợp tác xã còn phải tuỳ theo điều kiện dân cư, địa lý và phải chú ý đến vấn đề đoàn kết dân tộc, cho nên quy mô cần nhỏ hơn so với vùng đồng bằng và trung du; khi làm, phải cân nhắc về thời gian, về mức độ, để tránh làm nhất loạt, gây ra những kết quả không tốt.
-------------------------
(Văn kiện của Đảng và Nhà nước về Chính sách Dân tộc (1960-1977),Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 63-64.)