Trích - Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (11/1958)

03:39 PM 31/10/2015 |   Lượt xem: 13465 |   In bài viết | 

-----------------------------------------------

PHẦN THỨ HAI

-----------------------------------------------

10- Phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá miền núi:

Ở miền Bắc nước ta, miền núi rất rộng lớn, có một vị trí đặc biệt quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế và quốc phòng. Phải quan tâm đầy đủ việc xây dựng miền núi.

Trong ba năm, phải phấn đấu để đẩy mạnh công cuộc phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá ở miền núi. Các ngành ở trung ương phải quán triệt chính sách dân tộc và hết sức giúp đỡ miền núi trên mọi mặt công tác. Các địa phương miền núi trong khi chấp hành những nhiệm vụ đề ra chung cho toàn quốc, phải đặc biệt chú ý một số vấn đề sau đây:

Cần vận động đồng bào miền núi phát triển tổ đổi công, hợp tác xã, vùng thấp và vùng cao giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất lúa và các hoa mầu, lương thực nhằm xoá bỏ nạn đói giáp hạt. Phải vận động nhân dân phát triển mạnh các công trình thuỷ lợi hạng nhỏ và hạng vừa; Nhà nước cần dành một số vốn để giúp đỡ. Phải tích cực gây thành tập quán bón phân, hướng dẫn dùng nông cụ cải tiến và chú trọng chống thú rừng, bảo vệ ruộng nương, chống hạn, phòng nước lũ, giữ gìn mầu đất.

Cần phát triển trồng cây công nghiệp và chăn nuôi; chú ý giải quyết vấn đề chế biến, vận chuyển, tiêu thụ.

Phải rất coi trọng việc bảo vệ rừng, khai thác rừng một cách hợp lý. Kết hợp với việc vận động định canh, cần giáo dục cho nhân dân ý thức bảo vệ rừng, tránh đốt phá rừng một cách bừa bãi.

Ngoài các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, cần phát triển các nghề thủ công phục vụ nông nghiệp và phục vụ xây dựng; cung cấp một số máy móc giản đơn để chế biến các nông sản, lâm sản.

Giao thông vận tải là rất quan trọng đối với kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá ở miền núi. Cần củng cố và mở thêm các đường nối liền các vùng quan trọng, các đường dân sinh và khuyến khích phát triển lực lượng vận tải của nhân dân. Phải vận dụng và cải tiến các phương tiện vận tải sẵn có, hết sức chú ý sử dụng các sông ngòi.

Về thương nghiệp, cần phát triển các tổ bán hàng lưu động của Mậu dịch quốc doanh, phát triển hợp tác xã mua bán, khôi phục và mở thêm chợ, dựa vào tập quán của dân, phát triển việc mua chung, bán chung; chú ý mở rộng việc mua bán đến tận các vùng cao, vùng biên giới. Cần nghiên cứu quan hệ giá cả hợp lý giữa lâm thổ sản với gạo, muối và hàng công nghiệp.

Trên cơ sơ phát triển kinh tế, cần xây dựng cho mỗi khu tự trị một số thị xã và khôi phục các thị trấn quan trọng.

Phải đặc biệt coi trọng việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân vùng biên giới. Đó là một vấn đề không những quan hệ đến chính sách dân tộc nói chung mà còn có quan hệ đến việc giữ gìn an ninh trật tự, gây ảnh hưởng tốt về chính trị.

Phải hết sức chú trọng đào tạo cán bộ địa phương chủ yếu là cán bộ các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, y tế, giáo dục, địa chất... và đào tạo thợ các ngành rèn, mộc, xây dựng... để mở rộng đội ngũ trí thức và công nhân của các dân tộc, để phục vụ phát triển kinh tế và văn hoá.

Để đẩy mạnh các công tác ở miền núi, phải hết sức phát huy khả năng của các địa phương, của nhân dân đồng thời phải có sự giúp đỡ tích cực của trung ương; phải quyết tâm bền bỉ, đi đường lối quần chúng, nắm vững chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, chú ý cả các dân tộc đông người và ít người, vùng thấp và vùng cao, nắm vững mọi mặt, đoàn kết dân tộc, phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá, củng cố hậu phương, củng cố biên giới.

-------------------------

(Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 84-86.)