Trích - Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1976-1980
03:11 PM 31/10/2015 | Lượt xem: 5886 In bài viết |Trích - Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1976-1980
(Báo cáo của Ban chấp hành trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày, ngày 16 tháng 12 năm1976)
..........................................
Phần thứ hai NHIỆM VỤ VÀ MỤC TIÊU CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ VÀ VĂN HOÁ
..........................................
I. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung cao độ mọi lực lượng của chúng ta để đưa nông nghiệp phát triển một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; đồng thời thúc đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong kế hoạch 5 năm này, chúng ta tập trung lực lượng của cả nước, của tất cả các ngành, các địa phương phục vụ cho nông nghiệp, làm cho nông nghiệp phát triển rất mạnh mẽ cả về trồng trọt và chăn nuôi trên khắp các vùng của đất nước để giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực và thực phẩm, tăng nguồn cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp và tăng nhanh hàng xuất khẩu.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách và cơ bản hiện nay về lương thực (cho người và cho chăn nuôi), cả nước ta phải đẩy mạnh cao trào sản xuất lương thực, đồng thời đẩy mạnh sản xuất các loại thực phẩm, cả về thực vật và động vật, để đến năm 1980 đạt ít nhất 21 triệu tấn lương thực quy thóc, 1 triệu tấn thịt hơi các loại.
Trên địa bàn cả nước, các địa phương ở đồng bằng và trung du cần tăng nhanh diện tích cây lương thực đi đôi với thâm canh để có sản lượng lương thực cao nhất, bảo đảm đủ cho nhu cầu của nhân khẩu nông nghiệp ở địa phương mình, làm tốt nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước; các địa phương ở miền núi, trong khi phát huy ba thế mạnh về lâm nghiệp cây công nghiệp và chăn nuôi, vẫn phải rất coi trọng việc trồng các loại cây lương thực trên những diện tích thích hợp, nhằm tăng thêm sức giải quyết lương thực tại chỗ cho địa phương mình.
..........................................
Phát triển mạnh lâm nghiệp
Một yêu cầu hết sức quan trọng trước mắt và lâu dài của nền kinh tế nước ta là ra sức phát triển lâm nghiệp. Rừng và đất rừng là tài nguyên to lớn và quý giá nằm trên hơn nửa phần diện tích của đất nước, ở đó mật độ dân số đang còn rất thấp. Phải mau chóng chuyển bớt lực lượng lao động quá đồng ở đồng bằng lên góp phần khai thác những tiềm lực kinh tế rất phong phú ở trung du và miền núi. Làm như vậy tạo ra những lợi ích to lớn và quý báu về nhiều mặt: Lợi ích về điều hoà khí hậu và thời tiết, đặc biệt là lợi ích đối với nguồn nước và môi trường sống, lợi ích về nguồn sản phẩm phục vụ cho đời sống nhân dân, cho công nghiệp và xuất khẩu, lợi ích về phân bổ lao động và phân bổ dân cư, lợi ích về kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Công cuộc phát triển lâm nghiệp đòi hỏi chúng ta coi trọng cả ba khâu: trồng rừng, bảo vệ và tu bổ rừng, khai thác và chế biến lâm sản.
Bằng mọi biện pháp tích cực, cần phủ kín đồi trọc trong khoảng hai hoặc ba kế hoạch 5 năm. Phải có quy hoạch và kế hoạch dài hạn trồng rừng; phát động liên tục, sâu rộng phong trào "trồng cây gây rừng". Gắn chặt công cuộc phát triển lâm nghiệp với việc vận động đồng bào ở miền núi định canh, định cư và tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp ở miền núi để chấm dứt nạn phá rừng làm rẫy. Đối với đồng bào hiện du canh, du cư, cần giúp đồng bào đẩy mạnh sản xuất lương thực và trong điều kiện cần thiết thì cung ứng thoả đáng lương thực cho đồng bào để tổ chức đồng bào thành những người thợ rừng, những người bảo vệ tài nguyên rừng, hoặc làm các ngành, nghề khác. Phải xem chính sách định canh-định cư, ổn định và cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi là một chính sách kinh tế có nội dung chính trị to lớn, thể hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Trong 5 năm này, phấn đấu trồng ít nhất 1,2 triệu héc-ta rừng. Khẩn trương quy hoạch các khu vực đất rừng để trồng rừng, bảo vệ và tu bổ, cải tạo rừng. Xây dựng các cơ sở chọn giống, các vườn ươm, khoanh vùng khai thác giống và tận thu giống nhằm bảo đảm cung ứng đủ giống cho các lâm trường quốc doanh, hợp tác xã và nhân dân trồng rừng. Hướng trồng rừng là nhằm hình thành các vùng rừng cây tập trung cho nhu cầu công nghiệp như gỗ trụ mỏ, gỗ cho công nghiệp giầy, sợi, nhất là ở trung du và miền núi phía bắc. Trong thời gian sớm nhất, phải phủ xanh các đồi trọc, ra sức khôi phục và trồng kín rừng ở vùng bờ biển, khoanh nuôi và gây trồng các khu rừng đầu nguồn. Phát triển rừng cây đặc sản ở những nơi thích hợp. Khoanh những khu rừng nguyên thuỷ thành các rừng quốc gia, ở đó nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác và săn bắn để bảo vệ những loại thực vật và muông thú quý.
Phải tăng cường sự chỉ đạo của các cấp đối với công tác lâm nghiệp, làm cho các cấp đủ sức chỉ đạo tốt công tác trồng rừng, bảo vệ rừng. Sử dụng lực lượng quân đội, thu hút nhiều lao động tại chỗ và thu hút ngày càng đông đảo lao động ở đồng bằng lên trung du, miền núi làm lâm nghiệp. Cùng với việc phát triển mạnh quốc doanh lâm nghiệp, xây dựng các lâm trường trồng rừng và khai thác rừng, phải rất coi trọng vai trò của các hợp tác xã và lực lượng nhân dân trong công cuộc phát triển lâm nghiệp. Phải mạnh dạn giao rừng và đất rừng cho hợp tác xã quản lý kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch, và chính sách của Nhà nước. Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ đối với nhân dân trồng rừng như đãi ngộ đồng bào đi xây dựng kinh tế mới. Các huyện miền núi phải được từng bước xây dựng thành những đơn vị kinh tế nông nghiệp- lâm nghiệp- công nghiệp, kinh doanh tổng hợp nghề rừng, kết hợp trồng cây công nghiệp với chăn nuôi, ở những nơi có điều kiện thì tận dụng khả năng làm thêm lương thực.
Phải khẩn trương củng cố nỗ lực Kiểm lâm nhân dân để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng có hiệu quả. Phải kiên quyết ngăn chặn nạn phá rừng và nạn cháy rừng, hết sức bảo vệ rừng đầu nguồn.
Đi đôi với công tác trồng rừng trên quy mô lớn và bảo vệ rừng, phải đẩy mạnh việc khai thác, chế biến gỗ và các lâm sản khác. Phấn đấu đưa sản lượng gỗ khai thác năm 1980 lên 3,5 triệu m3 bằng nhiều biện pháp, trong đó chú ý việc làm thêm đường lâm nghiệp, tăng thêm thiết bị khai thác, vận chuyển, tận dụng những phương tiện khai thác và vận chuyển thô sơ. Tổ chức việc khai thác rừng một cách hợp lý và khoa học, quản lý tốt việc sử dụng và chế biến tổng hợp gỗ nhằm tiết kiệm gỗ. Tận dụng số gỗ cành, ngọn, sơ chế ngay tại nơi khai thác để đưa nửa thành phẩm về nơi sử dụng. Chấn chỉnh các khâu kinh doanh khai thác, vận xuất, chế biến, cung ứng gỗ, khắc phục những chỗ không hợp lý. Hình thành mạng lưới chế biến và cung ứng gỗ ở khắp nơi trong nước, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các ngành xây dựng và sản xuất, đáp ứng yêu cầu của nhân dân để làm nhà cửa, phương tiện lao động và sinh hoạt. Phấn đấu hạ giá thành sản xuất để hạ giá bán gỗ và đồ gỗ.
..........................................
3. Phát triển giao thông vận tải. Đẩy mạnh xây dựng cơ bản.
..........................................
Về đường bộ, đi đôi với việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, chú trọng xây dựng và mở rộng hệ thống đường giao thông ở nông thôn, đường giao thông miền núi và đường ra vào các vùng kinh tế mới. Sắp xếp lại lực lượng ô-tô vận tải hiện có để sử dụng hợp lý. Phát triển thêm các loại phương tiện vận tải thô sơ và cải thiện để phục vụ nông thôn, phục vụ miền núi. ..........................................
9. Cải thiện một bước đời sống của nhân dân.
..........................................
Trong vài năm tới, cố gắng đáp ứng nhu cầu về những hàng tiêu dùng thông thường mà trong nước có sẵn nguyên liệu và khả năng sản xuất.
Dự kiến đến năm 1980 sẽ tăng đáng kể mức bán xà phòng, giấy viết, đồ sứ và các hàng thông thường khác. Ngoài ra, phấn đấu để từng bước cung ứng cho nhiều gia đình có quạt điện, máy thu thanh, các gia đình nông dân có đủ màn, phích nước, đồng hồ để bàn, xe đạp.... Công nghiệp địa phương chú ý sản xuất và cung ứng cho các vùng dân tộc ít người những hàng hoá cần thiết phù hợp với đặc điểm và tập quán sinh hoạt của đồng bào.
..........................................
Phần thứ ba NHỮNG BIỆN PHÁP LỚN ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 1976- 1980: TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ
..........................................
I. TỔ CHỨC LẠI NỀN SẢN XUẤT XÃ HỘI, PHÂN BỐ LẠI LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT TRONG CẢ NƯỚC
Tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất vừa là một nhiệm vụ cơ bản nằm trong nội dung kế hoạch 5 năm 1976-1980, vừa là biện pháp có tính chất chiến lược để thực hiện kế hoạch. Tận dụng những khả năng về tài nguyên thiên nhiên như đất đai, rừng, biển, khoáng sản... và những khả năng về sức lao động, là nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của nền kinh tế quốc dân và của đời sống nhân dân, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của lực lượng sản xuất, và của sực nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong thời gian tiếp theo.
Đối với nước ta hiện nay, tận dụng khả năng về đất nông nghiệp càng sớm càng tốt là một đòi hỏi to lớn, cấp bách và có tác dụng quý báu nhất; và phải sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch và kế hoạch hợp lý để đẩy mạnh nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.
Cũng phải có chủ trương như vậy đối với đất trồng rừng theo một quy hoạch và kế hoạch dài hạn, tập trung việc trồng rừng ở các vùng trung du và miền núi Bắc bộ, vùng phía Tây Trung bộ và vùng Tây Nguyên...
..........................................
Trong sự bố trí lực lượng sản xuất theo vùng, chúng ta có ý thức tạo ra những điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế và văn hoá miền núi với tốc độ nhanh, làm cho kinh tế miền núi gắn với nền kinh tế cả nước, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, hoà nhịp cùng nhau xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh và vững mạnh.
..........................................
(Văn kiện của Đảng và Nhà nước về Chính sách Dân tộc (1960-1977), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 48-53.)