Chuyển đổi sinh kế và vấn đề tín dụng ở một số tộc người thiểu số tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc

06:16 PM 09/11/2017 |   Lượt xem: 7836 |   In bài viết | 

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đại diện của UNDP, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của UBDT cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu xây dựng báo cáo.

Qua khảo sát trên địa bàn 2 buôn của tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, báo cáo nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân của nợ và nợ xấu bao gồm: Vay lãi suất cao để đầu tư cà phê & ngô; mất cân đối giữa chi phí đầu vào & giá trị đầu ra của sản phẩm; cần tiền mặt để sinh tồn, mua sắm các vật dụng không sinh lời để nâng cao vị thế xã hội... Từ đó, người dân xây dựng các chiến lược ứng phó như: Tiếp tục vay chính các chủ nợ để sản xuất và làm nguồn thế chấp với hy vọng nếu được mùa, được giá thì sẽ trả được một phần nợ và để sinh tồn; dựa vào các nguồn vay tư nhân khác để xoay nợ; dựa vào bạn bè, họ hàng; bán đất; làm thuê...

TS. Hoàng Cầm thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày dự thảo báo cáo

Qua các kết quả phân tích, nghiên cứu, báo cáo đề xuất các khuyến nghị như thay đổi một số chính sách tín dụng và xây dựng chương trình tín dụng đặc thù cho người DTTS ở vùng Tây Nguyên, tăng cường các đầu mối cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, nghiên cứu triết lý phát triển với sự tác động của các yếu tố văn hóa-xã hội.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi thêm về một số hạn chế, cách tiếp cận và các khuyến nghị, đề xuất của báo cáo.

Phát biểu tổng kết, ông Hà Việt Quân nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất của các chính sách là đạt được mục tiêu đề ra và có giải pháp để đồng bào hiểu, dễ tiếp cận hơn với chính sách. Từ các nghiên cứu của báo cáo, có thể thấy vai trò của UBDT và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc chuyển đổi sinh kế và vấn đề tín dụng của đồng bào là rất quan trọng. Ông  Hà Việt Quân đề nghị UNDP tiếp tục quan tâm phối hợp, hỗ trợ để tổ chức các buổi thảo luận kỹ thuật sâu hơn ở nhiều khía cạnh, góp phần hoàn thiện báo cáo.

Việt Cường