Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam

03:04 PM 24/11/2023 |   Lượt xem: 7166 |   In bài viết | 

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc

Tới dự buổi lễ còn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - phát biểu tại lễ khai mạc

Tại Lễ khai mạc, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh, để dân tộc ta trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ông ĐỖ VĂN CHIẾN
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các giai tầng trong xã hội… ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cầu nối tin cậy giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, nhằm tập hợp, động viên cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, sau đại dịch Covid-19, đất nước ta gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát tích cực của Quốc hội, sự quản lý, điều hành hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, đối ngoại đạt được kết quả ấn tượng, an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống của nhân dân ổn định, từng bước được cải thiện.

Các đại biểu tặng quà cho đại diện các dân tộc

Để không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các tầng lớp nhân dân ở trong nước, người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường. Đó là sức mạnh nội sinh to lớn để chúng ta phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn.

Ông ĐỖ VĂN CHIẾN

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Bằng nhiều hình thức phù hợp, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nội dung cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được ra mắt đúng vào ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/2023), từ đó tiếp tục bồi đắp truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đất nước hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng từ trung ương đến địa phương, cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giải quyết căn cơ những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham gia vào các hoạt động thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc tại Lễ khai mạc

Từ đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đề cao cảnh giác cách mạng, không mắc mưu các thế lực thù địch, “dựng chuyện”, “xuyên tạc sự thật” hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta.

Hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sự kiện có nhiều ý nghĩa này, ông Đỗ Văn Chiến mong muốn Bộ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội “kết nối”, “lan tỏa” sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam rà soát, quản lý chặt chẽ đất đai, cơ sở hạ tầng, tài sản của Làng. Tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền khai thác hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, để Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy, nơi hội tụ và lan tỏa bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, là nơi thăm quan, du lịch đặc sắc, là niềm tin, niềm tự hào của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm hỏi bà con các dân tộc

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”, Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023 là hoạt động thiết thực phần giữ gìn và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch thiết thực chào mừng 93 năm Ngày Truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11); tôn vinh tinh thần đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Một số tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”

Sự kiện có sự tham gia của hơn 200 đồng bào của 15 dân tộc gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai… Tại đây, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ trình diễn các nghi lễ đặc biệt, trong đó có lễ Cấp sắc (lẩu pụt), hát Sli của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Kạn. Đồng bào dân tộc Mường đến từ Thanh Hóa cũng sẽ tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông (lễ hội thưởng hoa), giới thiệu nét đẹp trang phục Mường và một số nét văn hóa diễn xướng, ẩm thực, trò chơi dân gian đặc trưng. Hoạt động này nhằm góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch; lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa 54 dân tộc Việt Nam; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các tiết mục được xây dựng mang đậm tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Trong khuôn khổ sự kiện có diễn ra Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II. Bên cạnh đó là Liên hoan Văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc; giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương gắn với cây nêu; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; chế biến và giới thiệu ẩm thực địa phương…

Cũng trong khuôn khổ chương trình có diễn ra triển lãm ảnh Sắc màu các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của 160 tác phẩm nhiếp ảnh có chất lượng về nội dung và hình thức nghệ thuật giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam. Thông qua việc giới thiệu bộ ảnh, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật và tìm hiểu về văn hóa, đời sống, con người của các dân tộc Việt Nam.

(baodantoc.vn)