Đánh giá và đề xuất các giải pháp trong thực hiện chế độ chính sách trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020

09:46 PM 08/10/2021 |   Lượt xem: 3245 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chủ trì phiên họp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3695/VPCP-QHĐP ngày 02/6/2021 của Văn phòng Chính phủ, UBDT đã ban hành văn bản chỉ đạo 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp trong thực hiện các chế độ, chính sách trên địa bàn tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020 nay không còn thuộc diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào kết quả rà soát, đánh giá của các địa phương, UBDT đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đánh giá tác động trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn các xã, thôn ĐBKK giai đoạn 2016-2020 và triển khai xin ý kiến các bộ, ban, ngành có liên quan.

Theo dự thảo Báo cáo đánh giá tác động trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn các xã, thôn ĐBKK giai đoạn 2016-2020, tổng số xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 giảm 1.832 xã so với giai đoạn 2016-2020. Tổng số xã khu vực III giai đoạn 2021-2025 giảm 406, tổng số thôn ĐBKK giảm 6.954 thôn so với giai đoạn 2016-2020 (trong đó, số thôn ĐBKK không thuộc xã ĐBKK giảm 2.354 thôn).

Tổng số người DTTS đang sinh sống trên địa bàn xã khu vực III, thôn ĐBKK ngoài xã khu vực III giai đoạn 2016-2020 nhưng nay không còn thuộc diện ĐBKK khoảng 3 triệu người. Tổng số người DTTS thuộc diện hộ nghèo ở các xã, thôn không còn ĐBKK giai đoạn 2021-2025 là 662 nghìn người. Như vậy, số đối tượng là người DTTS thôi không hưởng các chính sách áp dụng các chính sách áp dụng cho địa bàn ĐBKK khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 là 2,34 triệu người (tương đương 616 nghìn hộ).

Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động cũng đã phân tích các mức độ tác động, ảnh hưởng đối với một số chính sách như: Bảo hiểm y tế đối với người DTTS; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang; chính sách hỗ trợ giáo dục; chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chính sách hỗ trợ cho học sinh; chính sách tín dụng ưu đãi... Ngoài ra, một số chính sách bị tác động, ảnh hưởng nhưng chưa có số liệu thống kê đầy đủ từ các báo cáo của địa phương như: Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người DTTS; chính sách ưu tiên tuyển sinh, ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức...

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, góp ý cụ thể vào dự thảo: Báo cáo đánh giá tác động trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn các xã, thôn ĐBKK giai đoạn 2016-2020; Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2021. Các ý kiến đã phân tích rõ hơn những yêu cầu đối với triển khai chính sách như thời điểm thực hiện, ảnh hưởng của sự tiếp nối và ngắt quãng đối với đối tượng thụ hưởng, độ trễ và duy trì những thành tựu đạt được của chính sách. Đề nghị cần xây dựng chính sách có tính bền vững, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Trên nguyên tắc xác định đây là Quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chuyển tiếp các chính sách và không đưa vào chính sách mới; cần làm rõ sự cần thiết ban hành, rà soát, phân nhóm hệ thống chính sách, số liệu, điều chỉnh bố cục dự thảo Tờ trình và Quyết định cho phù hợp. Từ việc rà soát, đánh giá các chính sách, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, cần làm rõ hơn những tác động đối với đồng bào DTTS, nhất là người nghèo, sinh sống tại các xã, thôn ĐBKK, là những đối tượng dễ bị tổn thương, ảnh hưởng khi có biến động xã hội.

Trên tinh thần hết sức khẩn trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Vụ Chính sách dân tộc (UBDT) tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành để sớm hoàn thiện Bộ hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và sự mong mỏi của người dân.