Hội đồng Dân tộc của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ Sáu
09:23 AM 04/04/2023 | Lượt xem: 2769 In bài viết |Ngày 3/4, Tại TP. Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã triệu tập tất cả các đại biểu Quốc hội là Thành viên Hội đồng Dân tộc dự Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu, để thảo luận, góp ý đối với một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ công tác của Hội đồng Dân tộc. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự Phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh; Ủy viên Trung ương Đảng Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn và các Phó Chủ tịch HĐDT, các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách của HĐDT, các vị đại biểu Quốc hội. Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, đại diện lãnh đạo TP. Cần Thơ. Đại diện Ủy Ban dân tộc (UBDT), hai Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr và Lê Sơn Hải tham dự.
Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đề ra và triển khai nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, góp phần tạo sự ổn định, phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Thể hiện rõ nét qua Chương trình của Chính phủ và triển khai giám sát giữa kỳ của Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 Phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo phiên họp
Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển các vùng trong cả nước, trong đó có đề cập đến yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị đại biểu tập trung thảo luận làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, chú trọng đánh giá thêm về tình hình an ninh, trật tự, bảo vệ biên giới, an ninh quốc phòng vùng Tây Nam Bộ; xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; những khó khăn, thách thức để trên cơ sở đó thảo luận xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong năm 2023, nghiên cứu có kiến nghị thật cụ thể, các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh - trật tự, an sinh xã hội, đặc biệt thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Phiên họp lần thứ Sáu của HĐDT được tổ chức tại TP. Cần Thơ, là trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều nội dung quan trọng cần được các đại biểu xem xét, cho ý kiến, trong đó, một số nội dung liên quan trực tiếp đến vùng ĐBSCL. Khẳng định đây là các nội dung hết sức quan trọng để phục vụ cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và hoàn thành nhiệm vụ công tác của HĐDT từ nay đến hết năm 2023.
Chủ tịch HĐDT đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đi đúng trọng tâm, trọng điểm đối với các nội dung liên quan: Tập trung thảo luận, góp ý kiến, đánh giá, phân tích, nhận xét về kết quả thực hiện chính sách dân tộc năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nắm bắt thông tin về tình hình an ninh, trật tự và công tác bảo vệ biên giới, tình hình an ninh quốc phòng vùng Tây Nam Bộ; thảo luận về tình hình kết quả thực hiện bước đầu giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; trao đổi, thảo luận về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc năm 2022 và trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ của HĐDT từ nay đến cuối năm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách của HĐDT và các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu của HĐDT, các đại biểu đã trình bày các báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; trao đổi thông tin về tình hình an ninh, trật tự vùng Tây Nam Bộ và công tác bảo vệ biên giới, tình hình an ninh quốc phòng vùng Tây Nam Bộ; báo cáo kết quả triển khai về giám sát tối cao của Quốc hội về 3 Chương trình MTQG; Báo cáo kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc năm 2022, trao đổi tình hình phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện chính sách dân tộc và công tác giám sát...
Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải báo cáo công tác dân tộc, chính sách dân tộc tại phiên họp thứ Sáu của HĐDT
Báo cáo với các đại biểu tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải cho biết, năm 2022, các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội Trung ương đã tích cực, chủ động phối hợp với UBDT và các địa phương thực hiện Công tác dân tộc (CTDT); nhiệm vụ trọng tâm là Đề án tổng thể, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chiến lược CTDT và đề xuất 16 đề án, chính sách vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược CTDT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện các chính sách dân tộc (CSDT) về các lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông, thông tin và truyền thông, thể thao, văn hóa và du lịch, quốc phòng... đã phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, nhằm hỗ trợ, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, Ngân hàng chính sách xã hội, ước đến 31/12/2022 tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 286.970 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo và cận nghèo và đối tượng chính sách khác trong cả nước được vay vốn; trong đó, vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ước đạt 2.780 tỷ đồng với 30.000 người vay.
Tuy nhiên, một số bộ được Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ tham mưu xây dựng chính sách về “Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS” và “Hỗ trợ phát triển giáo dục cho vùng DTTS, vùng khó khăn” vẫn chưa hoàn thành.
Tất cả những vấn đề đại biểu đặt ra đều thuộc lĩnh vực CSDT và CTDT
Thứ trưởng Lê Sơn Hải cũng cho biết, trong quá trình triển khai CTDT có những thuận lợi là được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát đối với đồng bào DTTS và miền núi; sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan Trung ương; sự ủng hộ, hợp tác tích cực của các địa phương; sự giám sát, phối hợp của HĐDT; CTDT và thực hiện CSDT luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; Cơ quan công tác dân tộc các cấp luôn chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền trong việc thực hiện CTDT, CSDT, chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc của các địa phương, do hậu quả dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng; thời tiết, thiên tai một số vùng còn diễn biến cực đoan do tác động của biến đổi hậu; một số chính sách còn bất cập, chồng chéo, vướng mắc khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là liên quan đến thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải trả lời trực tiếp với các đại biểu về CTDT và CSDT
Về tình hình triển khai giám sát, bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch HĐDT cho biết, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG đến nay, đã có 56/63 tỉnh, thành gửi báo cáo chung 3 chương trình MTQG. Hiện vẫn còn 7 tỉnh chưa có báo cáo chung, 8 tỉnh chưa có báo cáo về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, 16 tỉnh chưa có báo cáo về Chương trình nông thôn mới, 12 tỉnh chưa báo cáo về Chương trình giảm nghèo bền vững.
Trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, các địa phương cũng còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc vì một số văn bản hướng dẫn còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, khó triển khai thực hiện, dẫn đến cả 3 chương trình đều triển khai chậm so với kế hoạch. Việc giải ngân triển khai thực hiện các chương trình còn rất thấp, trong đó cao nhất là Chương trình MTQG xây dưng nông thôn mới đạt 47,3%, nhiều nội dung dự án, tiểu dự án của cả 3 chương trình mục tiêu sử dụng vốn sự nghiệp năm 2022 gần như chưa giải ngân được, phải chuyển nguồn sang năm 2023...
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao của phiên họp
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay; những kiến nghị thực hiện hiệu quả các CSDT trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Qua những ý kiến thảo luận của các đại biểu liên quan đến CSDT, CTDT Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải đã có những ý kiến giải thích, làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu đặt ra.
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu của HĐDT khóa XV đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra. Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch công tác làm cơ sở cho HĐDT thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Đảng đoàn, Lãnh đạo Quốc hội giao.
(baodantoc.vn)