Hội thảo Công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

02:42 PM 25/09/2019 |   Lượt xem: 14166 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo Tổng kết công tác đảm bảo an ninh-quốc phòng (AN-QP) ở vùng đồng bào DTTS & MN của Đảng ủy Công an Trung ương khẳng định: Thời gian qua, công tác đảm bảo AN-QP vùng DTTS & MN luôn được quan tâm, xây dựng và củng cố. Các cấp, ngành đã tích cực, chủ động mở rộng hình thức tập hợp quần chúng, đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống, gia đình, bản, làng văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Đẩy mạnh thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp… Lực lượng vũ trang thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS & MN, như: CT134,135,167, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80… Đã xây dựng, triển khai các đề án, phương án, kế hoạch và tổ chức diễn tập để xử lý các tình huống về AN-QP; củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh. Đấu tranh với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc; tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở vùng DTTS & MN…

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo AN-QP ở vùng DTTS & MN vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể: Tình hình an ninh, trật tự trong vùng DTTS & MN còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Công tác nắm tình hình, nhất là nắm tình hình từ xa còn có lúc chưa kịp thời, khả năng dự báo còn một số hạn chế. Công tác vận động đồng bào DTTS chưa thường xuyên, liên tục, công tác phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các lực lượng khác trong công tác đảm bảo AN-QP vùng DTTS & MN có lúc có nơi chưa đồng bộ…   

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung đánh giá thực chất, toàn diện công tác đảm bảo AN-QP vùng DTTS & MN theo Nghị quyết số 24/NQ-TW về công tác dân tộc và Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác trong vùng đồng bào Mông đồng thời đề ra các chủ trương, giải pháp đảm bảo an ninh trong vùng DTTS & MN trong tình hình mới. Làm rõ việc ban hành, giám sát thực hiện chính sách pháp luật; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động, phát huy vai trò các thành phần xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tổ chức cơ sở đảng gắn với phát triển kinh tế; các giải pháp bảo tồn văn hóa, những bài học có giá trị trong bảo vệ chủ quyền biên giới, đề xuất những giải pháp đảm bảo AN-QP vùng DTTS & MN trong thời gian tới. Cụ thể như: Cần đẩy mạnh phát triển KT-XH, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, kiểm soát và giải quyết các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tiếp tục củng cố và nâng cao hoạt động các tổ chức chính trị ở cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS và làm công tác vùng dân tộc và miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tham luận tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Muốn phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, trước hết phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS& MN. Để thực hiện được điều đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề xuất 6 giải pháp: Tạo sinh kế, ổn định cuộc sống, tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo; đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí; phát triển mạng lưới y tế, đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên các địa bàn phải làm chỗ dựa vững chắc cho bà con về mọi mặt, có hành vi ứng xử chuẩn mực để người dân thực sự tin tưởng.

Qua các cuộc đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch - tiếp cận từ góc nhìn của người làm công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng cần rút ra các bài học kinh nghiệm, cụ thể: Cần nắm vững tình hình, không để bị động bất ngờ, phải nắm được địa bàn và nhân dân; tập trung sự lãnh đạo, chỉ huy vào người đứng đầu cấp ủy, sự điều hành vào người đứng đầu chính quyền, sự tham mưu sắc bén, hiệu quả của lực lượng vũ trang; xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật vừa nghiêm minh vừa đảm bảo tính khoan hồng; không được chủ quan, cần chủ động đấu tranh từ đầu, ngay từ khi sự việc mới manh nha; khi xảy ra sự việc cần giải quyết phải dựa vào lực lượng cốt cán, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng thông tin về tiến độ xây dựng, tham mưu cho Chính phủ  “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”, theo đó sẽ ban hành “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN” trình Quốc hội phê duyệt và thực hiện từ năm 2021. Đề án và Chương trình được thực hiện sẽ góp phần giảm các yếu tố tiềm ẩn dẫn đến mất an ninh trật tự, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, để vùng DTTS&MN hội nhập, phát triển cùng đất nước.

 Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, giải pháp đảm bảo AN-QP vùng DTTS & MN tại Hội thảo, bà Trương Thị Mai cho biết: Để chuẩn bị cho việc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW, Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra tại 21 địa phương có đông đồng  bào DTTS, đồng thời tiến hành kiểm tra Chỉ thị, tiến hành 500 cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đồng bào DTTS, thể hiện sự quan tâm đúng mức của Đảng, Nhà nước đối với vùng DTTS & MN.

Bà Trương Thị Mai khẳng định: Mục tiêu cơ bản là đồng bào DTTS cần phải được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng tới giảm khoảng cách chênh lệch cuộc sống, tiến tới không còn hộ đói, xã ĐBKK, du canh du cư, vấn đề ma túy... Bà Trương Thị Mai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến cuộc sống đồng bào DTTS, cần sắp xếp, lồng ghép, tập hợp và điều hành các chính sách một cách tập trung, nắm chắc tình hình để chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, sử dụng lực lượng nòng cốt là đồng bào DTTS. Đẩy mạnh phát triển đảng viên DTTS, xóa các bản “trắng” đảng viên, quan tâm vấn đề hợp tác quốc tế… để đảm bảo tình hình an ninh chính trị vùng DTTS&MN.

Xuân Thường