Hội thảo Tác động của chính sách về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đến địa bàn vùng DTTS và miền núi
12:49 PM 17/03/2022 | Lượt xem: 3439 In bài viết |Sáng ngày 17/3, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Tác động của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đến địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Dự và chủ trì Hội thảo có ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội. Đồng chủ trì Hội thảo có ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội. Tham dự Hội thảo có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐDT; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Thông; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ban, ngành; đại diện Ban Dân tộc, Sở Nội vụ các tỉnh: Bắc Kạn, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Cao Bằng; cùng một số chuyên gia, nhà khoa học.
Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy trong hệ thống chính trị, năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản cụ thể chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để sắp xếp các đơn vị hành chính cho phù hợp.
Quang cảnh Hội thảo
Trong thời gian từ năm 2019 đến 2021, trên địa bàn cả nước đã có 8 tỉnh sắp xếp giảm từ 21 xuống còn 13 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 9 huyện); 45 tỉnh sắp xếp giảm từ 1.056 xuống còn 495 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 561 xã). Đối với địa bàn vùng DTTS&MN đã có 5 tỉnh thực hiện sắp xếp giảm từ 14 xuống còn 8 đơn vị cấp huyện và 18 tỉnh thực hiện sắp xếp giảm từ 392 xuống còn 191 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, 18 tỉnh vùng DTTS&MN đã sắp xếp, tổ chức lại giảm từ 9.565 thôn xuống còn 4.630 thôn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐDT Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: Việc sắp xếp, giảm các đầu mối đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Bộ máy hành chính tinh gọn đã góp phần quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở địa phương; thúc đẩy việc cơ cấu lại, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức làm việc có chất lượng, hiệu quả; tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy. Với đơn vị hành chính mới sau khi được sắp xếp sẽ có địa bàn rộng hơn, đây là lợi thế để quy hoạch không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; dễ dàng chỉ đạo hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, phù hợp với đặc điểm của vùng, miền…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Bên cạnh những kết quả đạt được, khi triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở một số địa phương còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với một số tỉnh DTTS&MN, là địa bàn có địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng đi lại khó khăn, mật độ dân cư thấp, cư trú phân tán và tập trung chủ yếu các xã nghèo, huyện nghèo là đồng bào DTTS. Vì vậy khi sáp nhập, các huyện, xã mới được hình thành sẽ có không gian rộng, dân cư đông, đi lại từ thôn, bản đến trung tâm hành chính huyện, xã sẽ xa và khó khăn hơn trước rất nhiều, đặt ra thách thức lớn trong quản lý hành chính nhà nước. Cùng với đó là công tác sắp xếp các trường học, trạm y tế ở các huyện, xã mới cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục và chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bầy tham luận về các yếu tố tác động, tồn tại, bất cập, bài học kinh nghiệm và các đề xuất, kiến nghị cụ thể liên quan đến công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đến địa bàn vùng DTTS&MN. Việc hình thành các huyện, xã mới đã tác động đến việc phân loại địa bàn thôn, xã theo trình độ phát triển để đầu tư chính sách dân tộc. Trong thực tế đã có nhiều xã trước đây thuộc xã vùng III, được hưởng các chế độ, chính sách theo diện đầu tư đặc biệt khó khăn, đến khi sáp nhập, hình thành xã mới, không đảm bảo tiêu chí thuộc xã vùng III, vì vậy nhiều chế độ, chính sách, thiết yếu như y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất đã bị cắt giảm...
TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số tác động thực tế tại địa phương như: đội ngũ cán bộ người DTTS tại địa phương; xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao; yếu tố đặc thù, tiêu chí phân loại địa bàn sau sắp xếp; lựa chọn tên gọi sau khi sáp nhập; đảm bảo yếu tố văn hóa truyền thống, tôn giáo; quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương; bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập; gia tăng số lượng giao dịch thủ tục hành chính, chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ...
Trao đổi ý kiến tại Hội thảo, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần đánh giá chủ trương, chính sách về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã thực sự phù hợp chưa trong lộ trình triển khai. Cần có sự đồng thuận cao, thận trọng từng bước và đánh giá đầy đủ các tác động, phát sinh khi triển khai thực hiện trong thực tế. Ngoài ra, cần làm rõ hơn các mô hình chính quyền, bộ máy hành chính trên cơ sở phù hợp với yêu cầu mới của sự phát triển.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định việc sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện, thôn, bản giai đoạn 2019 - 2021 là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Có ý nghĩa về mặt kinh tế, văn hóa và mọi mặt trong đời sống của người dân. Ông Phan Xuân Dũng cũng đề nghị thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngoài ra, cần bảo đảm kinh phí cho quá trình chuyển đổi, đặc biệt là địa bàn vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn. Cần khảo sát, đánh giá kết quả công tác sáp nhập, cũng như tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng bị tác động, từ đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí, tiêu chuẩn của việc sáp nhập cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm về tự nhiên, văn hóa, dân tộc, công tác quy hoạch có liên quan...
Việt Cường