Lựa chọn phương án hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu của cuộc điều tra về số liệu, thời gian, kinh phí và đối tượng triển khai phù hợp
10:17 PM 10/07/2023 | Lượt xem: 6842 In bài viết |Tham dự buổi làm việc, về phía Tổng cục Thống kê có ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng, Lãnh đạo Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê, Vụ Kế hoạch tài chính. Về phía UBDT có Lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Tài chính, Văn phòng Ủy ban.
Thời gian qua, các đơn vị đầu mối của hai cơ quan đã hết sức tích cực để chuẩn bị về nội dung, phương án cho cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS (lần thứ 3) năm 2024. Năm 2024 là năm thực hiện theo chu kỳ điều tra theo quy định của Quyết định số 02/QĐ-TTg, ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS.
Theo đề xuất, cuộc điều tra dự kiến triển khai theo 03 phương án: (1) Thu thập thông tin đến cấp huyện và cấp tỉnh như năm 2019; (2) Thu thập thông tin như năm 2019, đối với 05 chỉ tiêu (dân số người DTTS, cơ cấu dân số người DTTS, số hộ gia đình người DTTS, quy mô hộ DTTS, tỷ lệ tăng dân số) được tính đến cấp xã bằng cách lập bảng kê toàn bộ các xã để xác định số người, số hộ; (3) Thu thập toàn bộ các chỉ tiêu đến cấp xã theo đề nghị của UBDT.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Cần lựa chọn phương án hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu của cuộc điều tra về số liệu, thời gian, kinh phí và đối tượng triển khai phù hợp.
Về dự thảo Quy chế phối hợp về công tác thống kê và chia sẻ thông tin thống kê giữa UBDT và Tổng cục Thống kê, mục tiêu của công tác phối hợp nhằm phục vụ việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách phát triển KT-XH của UBDT và nâng cao vị trí, chức năng, vai trò quản lý nhà nước về thống kê, điều phối, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê KT-XH cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật của Tổng cục Thống kê. Đồng thời, chia sẻ thông tin thống kê nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin sẵn có của hai cơ quan, phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý và điều hành.
Tại phiên họp, đại biểu hai cơ quan đã trao đổi, cung cấp thêm các thông tin liên quan về cuộc điều tra, đồng thời phân tích, thảo luận về các thuận lợi, khó khăn của từng phương án tổ chức cuộc điều tra; phối hợp, khai thác dữ liệu dân cư của Bộ Công an để cuộc điều tra đạt kết quả như mục tiêu đề ra; cân đối số lượng, phân tổ của các chỉ tiêu để phù hợp với nguồn lực về tài chính, thời gian và nhân lực tham gia…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Cần lựa chọn phương án hiệu quả nhất, đáp ứng mục tiêu của cuộc điều tra về số liệu, thời gian, kinh phí và đối tượng triển khai phù hợp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị cần rà soát, phân nhóm hệ thống các chỉ tiêu; làm rõ hơn nội hàm, bổ sung một số chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường tính kế thừa, rà soát sự trùng lặp với các chỉ tiêu đã được các bộ, ngành hoặc Tổng cục Thống kê triển khai thời gian qua. Sau khi triển khai xong cuộc điều tra, sẽ đề xuất phương án phối hợp kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an để cùng rà soát, điều chỉnh. Ngoài ra, cùng với cuộc điều tra, cần nghiên cứu, cụ thể hóa vào Đề án Tăng cường chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc, xây dựng nội dung, nhiệm vụ triển khai theo từng năm để góp phần hình thành hệ thống CSDL ngành công tác dân tộc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến khẳng định: Tổng cục Thống kê luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của UBDT để triển khai thành công cuộc điều tra, góp phần trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đồng bào các DTTS.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tán thành chủ trương triển khai xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị cần bổ sung căn cứ, xác định những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, triển khai hiệu quả Quy chế. UBDT cần sớm phối hợp với Tổng cục Thống kê để ban hành danh mục các dân tộc Việt Nam; hai cơ quan cùng phối hợp chặt chẽ để đề xuất bổ sung chỉ tiêu phân tổ DTTS trong các chỉ tiêu thống kê chung, trong các cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê chủ trì triển khai.
Việt Cường