Quốc hội thảo luận Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Cần có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư

05:15 PM 14/06/2020 |   Lượt xem: 3381 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình trước Quốc hội

Theo Tờ trình đề xuất của Chính phủ, Chương trình bao gồm 10 dự án và các tiểu dự án thành phần. Chương trình được thực hiện ở địa bàn vùng DTTS và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên, phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển. Đối tượng thực hiện của Chương trình là: Thôn, bản, buôn, làng, ấp...; xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Các thành phần kinh tế trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK); doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức KT-XH hoạt động ở địa bàn vùng ĐBKK). Các cơ quan hành chính các cấp tổ chức thực hiện Chương trình.

Đã có 25 ý kiến phát biểu tại Hội trường. Các ĐBQH đều khẳng định sự cần thiết; gửi gắm niềm tin, kỳ vọng về Chương trình, đồng thời kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trong thời gian tới.

Thay mặt Chính phủ, phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu của các ĐBQH. Bộ trưởng cho rằng, đây là những ý kiến rất xác đáng, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến với tinh thần nghiêm túc, cầu thị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT khẳng định: Chương trình là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS Việt Nam. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW, Quốc hội khóa XIV đã có 3 kỳ họp bàn về chính sách dân tộc, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm chính trị cao... Chương trình không chỉ nhằm phát triển KT-XH mà còn mang theo xứ mệnh đại đoàn kết các dân tộc, đa mục tiêu, giàu tính nhân văn và ghi đậm dấu ấn của Quốc hội khóa XIV.

“Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào vùng DTTS và miền núi tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình để hòa nhập và phát triển cùng đất nước”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến chia sẻ.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Với trách nhiệm cao, tâm huyết, thẳng thắn, chia sẻ những khó khăn với đồng bào, nhiều ý kiến ĐBQH đã phát biểu xác đáng và tập trung bàn về những vấn đề cấp bách để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội. Chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước quan tâm thực hiện. Nước ta đã thực hiện thắng lợi, đạt được hiệu quả cao, kết quả tốt đẹp trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào được nâng lên. Nay Chính phủ trình Quốc hội có Nghị quyết về những chính sách cụ thể là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, thể chế hóa Hiến pháp 2013 và Nghị quyết của Quốc hội. Trên tinh thần đó, các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, Quốc hội cần có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình.