Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

08:13 AM 01/11/2019 |   Lượt xem: 8633 |   In bài viết | 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận); Cao Thị Giang (Quảng Bình); Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận); Y Khút Niê (Đắk Lắk); Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An); Đinh Thị Bình (Phú Thọ); Phương Thị Thanh (Bắc Kạn);... nhấn mạnh ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc xây dựng và triển khai Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn....

Theo các đại biểu, việc thông qua Đề án nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Cho rằng nội dung nêu trong dự thảo Đề án được chuẩn bị công phu, có tính khoa học và thực tiễn cao, cơ bản nhất trí với các mục tiêu, giải pháp nêu trong dự thảo; các đại biểu cũng phân tích làm rõ các nguyên nhân của các tồn tại, yếu kém, qua đó góp ý, đề xuất một số nội dung cụ thể để hoàn thiện đề án, như: Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS phải gắn với việc bảo đảm quyền tự quyết của các dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là bảo tồn chữ viết, tiếng nói, bảo đảm không gian sống (đất ở, đất sản xuất), nghiên cứu lịch sử phát triển... của các DTTS; bảo đảm cho đồng bào sinh hoạt văn hóa, tôn giáo theo quy định của pháp luật; đào tạo, bố trí cán bộ là người DTTS; bảo đảm quyền bình đẳng giới của phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS, miền núi;...

Các đại biểu cũng đề nghị cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp: Đồng bộ hóa, tập trung các chính sách, nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS vào một đầu mối để đầu tư phát triển kinh tế vùng "lõi nghèo"; kết hợp hiệu quả giữa đầu tư ngân sách gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án, tránh tình trạng "chính sách như một loại quả đẹp nhưng đồng bào không ăn được"; hợp lý hóa các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện, thông tin, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng) và nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển các mô hình sản xuất gắn với lợi thế, đặc thù của địa phương, hỗ trợ kết nối thị trường... để đồng bào phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng trên mảnh đất quê hương;... 

Quốc hội thảo luận Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Ảnh: baochinhphu.vn

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, quá trình xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 - 2030 của Đề án, Ban soạn thảo đã xem xét nhiều căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi. Qua thảo luận và thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho hay, một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu về thu nhập đến năm 2025 tăng hai lần là cao, không khả thi. Một số ý kiến khác cho rằng chỉ tiêu về giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có ý kiến đề nghị chỉ tiêu về đào tạo nghề cao, khó đạt được...

Giải trình về chỉ tiêu thu nhập, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo, hiện nay thu nhập thực tế bình quân của người DTTS khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương 13-14 triệu đồng/năm. Nếu đến 2025 tăng gấp hai lần sẽ đạt khoảng 26 - 28 triệu đồng/năm. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2025 nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người. Chúng tôi đã nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng bộ của các tỉnh vùng DTTS và miền núi, với quyết tâm rất cao: Năm 2020 so với năm 2015 Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần; Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần; Quảng Bình 2,5 lần; Gia Lai 2,1 lần… Chương trình Tam nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần/5 năm. Do vậy, Ban soạn thảo đề nghị cho giữ khoảng 2 lần để từng hộ, thôn, xã vùng đồng bào DTTS có quyết tâm phấn đấu và hằng năm có kiểm điểm.

Chỉ tiêu đào tạo nghề cho người DTTS trong độ tuổi hiện nay đạt 6,2%. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra chỉ tiêu lao động qua đào tạo là 70%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 25 - 30%. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định, Đề án đề xuất lao động DTTS qua đào tạo khoảng 50% nhưng chỉ tiêu lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ 10 - 15% là phù hợp. Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo, dạy nghề sẽ được thực hiện theo theo hướng cầm tay chỉ việc để lao động thực hành được việc ngay, không nhất thiết cần bằng cấp, chứng chỉ. Đây là điểm tư duy mới về dạy nghề cho đồng bào DTTS.

Riêng về chỉ tiêu giải quyết đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt…, tiếp thu ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đồng thời căn cứ vào chỉ đạo kết luận của Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc để điều chỉnh phù hợp tiêu chí này, trước mắt đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết theo hướng mở, có tính nguyên tắc và xác định cận dưới, để khi xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, Ban soạn thảo sẽ cân đối, đồng thời xác định chỉ tiêu hợp lý hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho rằng, cùng với sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước, đồng bào vùng DTTS cũng đang nỗ lực vượt qua chính mình để vươn lên trong cuộc sống. Đó là nguồn lực nội sinh mới hứa hẹn sự thành công của Đề án.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tốt nhất. Quốc hội ấn nút phê duyệt Đề án và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp này là một món quà vô cùng đặc biệt, thật sự ý nghĩa tặng cho đồng bào vùng DTTS và miền núi trước thềm Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II, tháng 4/2020.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tập trung thẳng thắn và xây dựng, có cả sự chia sẻ những khó khăn với đồng bào. Quốc hội hoan nghênh việc Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chuẩn bị Đề án công phu để trình Quốc hội, và có thể nói đây cũng là một trong những Đề án rất khó khăn, phức tạp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực rất cao, Ủy ban Dân tộc đã chủ động và phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để chuẩn bị nhiều cuộc thảo luận và xin ý kiến.

Quốc hội nhất trí cao về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Đề án Tổng thể này. Quốc hội cũng nhất trí cao giao Chính phủ thực thi điều hành có hướng dẫn, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để cùng chăm lo cho đồng bào và vùng DTTS và miền núi. Hàng năm có báo cáo Quốc hội, có sơ kết, tổng kết.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp và tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án quan trọng này của quốc gia”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định. 

**************************************************

Theo tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 DTTS với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn nước cung cấp cho khu vực đồng bằng.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng “Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn” nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Chính phủ đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, đến năm 2025: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%;

100% xã có đường ô tô đến trung tâm, theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa;

80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì 42%;

Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10-15%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; thanh niên 15 đến 35 tuổi đọc thông viết thạo tiếng Việt trên 95%;

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số DTTS; 95% người DTTS biết nói tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp; 80% xã, thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống; trên 80% phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thiếu cân xuống dưới 15%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85-90%.

Đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2,5 lần so với năm 2026; không còn hộ đói; giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020; phấn đấu 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực; trên 85% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân; giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào DTTS; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Chính phủ xác định tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021- 2030.

Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ để phục vụ công tác quản lý.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Tăng cường, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Huy động mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác.

Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng DTTS và miền núi.

Tiếp tục ban hành chính sách đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là hỗ trợ đảm bảo ăn, ở của học sinh ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Nghiên cứu cơ chế, mở rộng đối tượng vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến các dự án sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.

Nghiên cứu giải quyết một số vấn đề về thành phần, tên gọi dân tộc, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký kết hôn, khai sinh cho con mới sinh đối với các hộ di cư tự phát.

Xem thêm:

[Video] Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến giải trình trước Quốc hội 
 

(Tổng hợp)