Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0

12:02 PM 06/12/2021 |   Lượt xem: 3356 |   In bài viết | 

Quang cảnh diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Đồng chủ trì diễn đàn có đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế. Cùng sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các đại sứ quán, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội trong nước và các tổ chức quốc tế...

Diễn đàn Cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển KT-XH bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, KT-XH, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và chính sách phục hồi, phát triển KT-XH giai đoạn hậu Covid-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 (Ảnh: TTXVN).

Với chuỗi 10 phiên Hội thảo chuyên đề (diễn ra từ ngày 9/11-18/11/2021) tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã được tổ chức thành công tốt đẹp, thu hút sự tham dự đông đảo đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế với tổng số gần 8.000 đại biểu tham dự (trực tiếp tại hội trường, và các nền tảng trực tuyến Zoom, Youtube).

Tại phiên này, sẽ tập trung vào các báo cáo chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19; Công nghiệp 4.0: xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid -19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế.

Trong khuôn khổ phiên Diễn đàn cấp cao sẽ diễn ra Tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của các Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn sau đây: Thảo luận, đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.

Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới. Đồng thời, các nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia và các nhà khoa học tại Diễn đàn sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.