Xây dựng Báo cáo kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

04:32 PM 15/10/2020 |   Lượt xem: 7412 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 15/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, trong đó giao cho UBDT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Ngay sau khi Nghị quyết 12/NQ-CP được ban hành, UBDT đã xây dựng Dự thảo báo cáo và gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành. Dự thảo báo cáo xác định 14 chủ đề được rà soát, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện và tránh bỏ sót các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN. Tính đến ngày 31/8/2020, UBDT đã nhận được báo cáo kết quả rà soát của 18/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Qua rà soát, có 296 văn bản pháp luật có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Nhìn chung hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN hiện nay đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh khá toàn diện các lĩnh vực, nhưng vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, do nhiều chủ thể ban hành, chủ yếu là văn bản dưới luật; còn có sự chồng lấn về đối tượng, địa bàn, phạm vi thực hiện chính sách; còn một số văn bản pháp luật có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn.

Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các Bộ, ngành tham gia nhiều ý kiến đề xuất, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo, cụ thể: Các Bộ, ngành cần tiếp tục cập nhật, cung cấp thêm số liệu về kết quả rà soát văn bản, chính sách của cơ quan mình theo 14 chủ đề đã nêu trong dự thảo Báo cáo; đánh giá kỹ hơn về kết quả rà soát đối, đảm bảo các nội dung được rà soát chính xác, đưa ra phương án xử lý phù hợp đối với các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn. Một số ý kiến cũng đề cập tới việc cần thống nhất về những chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, qua đó đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị với các cấp thẩm quyền ban hành văn bản điều chỉnh các chính sách này.

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị bộ phận soạn thảo tiếp thu, bổ sung cập nhật hoàn thiện dự thảo báo cáo.

Xuân Thường