“Thống nhất trong hành động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả chính sách dân tộc”
08:14 AM 26/12/2022 | Lượt xem: 7120 In bài viết |Đó là ý kiến phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình về thực hiện công tác dân tộc, công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngày 25/12, tại tỉnh Hòa Bình.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc UBDT. Về phía tỉnh Hòa Bình, tiếp và làm việc với Đoàn có: Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, năm 2022, UBND tỉnh đã đưa 9 nội dung, nhiệm vụ công tác dân tộc vào Chương trình nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoàn thành nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã ban hành một số chính sách đặc thù như: Đề án số 09-ĐA/TU ngày 28/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với phát triển KT-XH bảo đảm quốc phòng, an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu; phân công các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉmh trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho đồng bào DTTS; lồng ghép các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Đối với Chương trình MTQG phát triển KH-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án giao, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình là: 1.573.509 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương: 1.430.462 triệu đồng; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương: 143.047 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh 7.706 triệu đồng, vốn ngân sách huyện 135.341 triệu đồng); giao, phân bổ kế hoạch năm 2022 thực hiện Chương trình là: Vốn đầu tư phát triển: 274.535 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 149.025 triệu đồng bảo đảm đúng quy định về tiêu chí, định mức phân bổ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đối với năm 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh giao 813.580 triệu đồng ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình gồm: Vốn đầu tư phát triển: 361.171 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 452.409 triệu đồng. Hiện nay UBND tỉnh đang giao các sở, ngành có liên quan tổng hợp trình phương án phân bổ chi tiết để thực hiện các dự án thành phần, nội dung của Chương trình trong năm 2023, đồng thời cân đối bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định.
Toàn cảnh buổi làm việc
Hiện nay, các đơn vị, địa phương được giao và phân bổ nguồn vốn năm 2022 đang tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần, nội dung của Chương trình. Việc giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước của Chương trình năm 2022 còn chậm, đến thời điểm báo cáo mới giải ngân được khoảng 8% vốn kế hoạch giao do đến cuối tháng 5/2022 Trung ương mới có Quyết định giao, phân bổ cho các địa phương và đến tháng 10/2022, tỉnh mới ban hành được cơ bản các văn bản quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn.
Với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, để triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức hỗ trợ, quy trình thực hiện, việc phân bổ vốn, công tác đào tạo, tập huấn cán bộ…
Ngoài chính sách dân tộc và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cảm ơn sự quan tâm của UBDT đối với tỉnh Hòa Bình trong thực hiện chính sách dân tộc. Thông tin về tình hình KT-XH của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long cho biết, năm 2022, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành 18/19 chỉ tiêu KT-XH. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS trong dịp Tết cổ truyền.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định ý nghĩa to lớn của Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng với hai Chương trình MTQG còn lại sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các địa phương miền núi, còn nhiều khó khăn, tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển vươn lên.
Chia sẻ những khó khăn của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long mong muốn Ủy ban Dân tộc tiếp tục quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu hoàn thiện các chính sách về đội ngũ cán bộ người DTTS; hỗ trợ cho học sinh DTTS; tăng cường các chính sách tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; nghiên cứu, bổ sung các dự án hoàn thiện hệ thống hạ tầng; quan tâm đến chính sách bảo vệ rừng. Đối với tỉnh Hòa Bình, cần có chính sách quan tâm đến những địa bàn đặc thù, vùng an toàn khu...
Đối với các Chương trình MTQG, mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bố trí nguồn vốn của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành để thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh bày tỏ đồng tình, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Hòa Bình trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc.
Chia sẻ những khó khăn của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đầu tư có trọng điểm các Chương trình MTQG hiện nay. Tỉnh cần thống nhất trong hành động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc nói chung, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng và các Chương trình MTQG khác.
Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG và các chính sách dân tộc khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn Tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực phối hợp với UBDT để các chương trình, chính sách dân tộc sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã giải đáp và đề nghị các vụ, đơn vị thuộc UBDT tiếp thu, tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền.
(baodantoc.vn)