Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội: Gặp mặt nhân Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc
11:04 AM 26/04/2021 | Lượt xem: 2726 In bài viết |Ngày 26/4/2021, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt truyền thống nhân Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (03/5/1946-03/5/2021). Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tham dự buổi gặp mặt và phát biểu ghi nhận những đóng góp của Ban Dân tộc Tp.Hà Nội đối với sự nghiệp công tác dân tộc.
Dự buổi gặp mặt có đại diện các sở, ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Ban Văn hóa xã hội - HĐND thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Dân tộc Thành phố qua các thời kỳ; công chức đã nghỉ hưu tại Ban, cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động Ban Dân tộc thành phố; đại diện lãnh đạo UBND các huyện có các xã vùng dân tộc và miền núi; đại diện Văn phòng HĐND-UBND các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ cùng Phòng Dân tộc huyện Ba Vì.
Đồng chí Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng Ban thay mặt lãnh đạo Ban Dân tộc thành phố đọc diễn văn kỷ niệm. Diễn văn nêu rõ: Cách đây 75 năm, ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58, thành lập Bộ Nội vụ gồm cơ quan Văn phòng và 6 nha trong đó có “Nha Dân tộc thiểu số”. Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg, lấy ngày 03/5 hằng năm là Ngày truyền thống của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khẳng định vai trò to lớn của cộng đồng DTTS trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng đất nước. Cùng với cả nước, công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có nhiều tập thể, cá nhân trong đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Toàn Thành phố có 31 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 561 gia đình thương binh, 934 gia đình liệt sỹ là người dân tộc thiểu số. Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước và Thủ đô giầu mạnh, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, cùng những cố gắng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trong thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo nên những thay đổi tiến bộ rõ rệt trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số. Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi Thủ đô có những thay đổi hết sức cơ bản. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước, hiện thực hóa nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Ban Dân tộc thành phố với chức năng tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về công tác dân tộc, trong 13 năm qua đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề và UBND thành phố ban hành các Kế hoạch về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi của Thủ đô; tham mưu tổ chức thành công 3 kỳ Đại hội đại biểu các DTTS ở cấp huyện và Thành phố vào các năm 2009, năm 2014 và năm 2019. Từ các Đại hội những bài học kinh nghiệm được rút ra, những giải pháp tích cực phù hợp được đề xuất với lãnh đạo Thành phố, với Đảng, Chính phủ để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS Thủ đô nói riêng và vùng dân tộc, miền núi của cả nước. Qua đó rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, các dân tộc. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện tốt theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, tại các địa phương vùng đồng bào DTTS của Thành phố không xảy ra dịch bệnh. Sự quan tâm cùng những kết quả đạt được đó đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Khối đại đoàn kết các dân tộc được nâng cao.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được nghe đồng chí Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đồng chí Nguyễn Thị Ánh, nguyên Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã phát biểu về quá trình phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, về tình cảm, trách nhiệm đối với công tác dân tộc, với sự phát triển, đi lên của vùng đồng bào dân tộc, miền núi Thủ đô.
Đặc biệt, phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đã ghi nhận những đóng góp của Ban Dân tộc thành phố đối với sự nghiệp công tác dân tộc và mong đội ngũ cán bộ, công chức phải nỗ lực phấn đấu, vượt lên những khó khăn, bám sát thực tiễn trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án để tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp phù hợp với đặc thù của Thủ đô qua đó thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc để thực hiện tốt phương châm của Đảng: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” - Nhân tố cơ bản quyết định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước giầu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã làm rõ thêm những kết quả đạt được của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội từ khi thành lập đến nay và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến lãnh đạo UBDT, lãnh đạo Thành phố Hà Nội; các vụ, đơn vị thuộc UBDT; các sở, ban, ngành Thành phố và cấp ủy, chính quyền các cấp; tri ân các thế hệ lãnh đạo Ban qua các thời kỳ, những người đã không tiếc công sức, trí tuệ góp phần xây dựng Ban Dân tộc Thành phố ngày càng phát triển vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của Thành phố đã luôn đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc, kịp thời tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án tạo nên bước thay đổi nhanh chóng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như diện mạo nông thôn mới ở vùng miền núi của Thành phố.
Đồng thời, đồng chí Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, sắp tới nhiều cơ quan cấp sở, ngành trong đó có Ban Dân tộc cũng sẽ có những thay đổi nhất định về cơ cấu tổ chức và tinh giản biên chế. Từ thực tế đó đặt ra những yêu cầu mới của công tác dân tộc, đồng chí Trưởng Ban Dân tộc thành phố yêu cầu mỗi cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố phải quán triệt sâu sắc các quan điểm về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và Thành phố, nhất là các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ của công tác dân tộc nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; tăng cường đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sâu sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan; chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành chủ trương, giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố trên địa bàn, nhất là việc tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Trước mắt, tập trung tuyên truyền sâu rộng về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn./.
(Nguồn: bandantoc.hanoi.gov.vn)