Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến: Cao Bằng cần đưa nội dung Chương trình MTQG vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
09:13 PM 18/09/2020 | Lượt xem: 5056 In bài viết |Ngày 18/9/2020, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến và Đoàn công tác của UBDT đã có buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng để nắm tình hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), việc thực hiện các chính sách dân tộc và công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Tham gia Đoàn công tác của UBDT còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông, lãnh đạo một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT. Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Cao Bằng có ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đại diện Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban ngành trong tỉnh.
Báo cáo về tình hình phát triển KT-XH giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt trên 7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/năm. Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Trong giai đoạn này, đã có 970 công trình hạ tầng cơ sở nông thôn được đầu tư xây dựng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho trên 34.000 hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện định canh, định cư cho 96 hộ; hỗ trợ đời sống trên 880.000 lượt nhân khẩu; 7.423 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất và chuyển đổi ngành nghề; 7.396 hộ gia đình được cấp lu, bể nước sinh hoạt; cấp miễn phí trên 4,3 triệu tờ báo, tạp chí cho các đối tượng; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho hơn 16.000 lượt người...
Tuy nhiên, với tỉnh Cao Bằng, do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, các điều kiện phục vụ cho sản xuất và đời sống dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Địa hình chia cắt phức tạp, dân cư sống phân tán, nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn lực có hạn đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế và công tác giảm nghèo của địa phương. Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Trung ương nghiên cứu và ban hành cơ chế cho phép địa phương được linh hoạt vận dụng triển khai chính sách cho vùng DTTS và miền núi theo hướng đơn giản, chủ động, phân cấp sâu hơn cho cơ sở; có cơ chế, chính sách nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; bố trí kinh phí thỏa đáng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 để hoàn thành các mục tiêu đề ra theo đặc thù của tỉnh Cao Bằng; có cơ chế linh hoạt trong việc giao cấp xã làm chủ đầu tư theo Chương trình 135; sớm ban hành quy định về tiêu chí phân định xã, thôn vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) dự kiến triển khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới. Cụ thể như việc bố trí, sử dụng cán bộ sau sáp nhập huyện, xã, thôn; Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cây dược liệu. Kiên cố các trường dân tộc nội trú; Tiếp tục đầu tư cho giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường liên thôn, xã; Định mức biên chế cho trạm y tế xã sau sáp nhập theo cơ chế đặc thù; Những tác động của các tiểu dự án đến hạ tầng cơ sở các trạm y tế… Một số ý kiến cho rằng Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng cần có Nghị quyết để triển khai thực hiện Chương trình MTQG; cho thực hiện điểm tại 01 huyện để rút kinh nghiệm trong một giai đoạn cụ thể.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình MTQG và cho rằng, Chương trình MTQG sẽ mang dấu ấn sâu sắc, tạo động lực cho đồng bào DTTS vươn lên. Ông Lại Xuân Môn yêu cầu các sở, ngành trong tỉnh Cao Bằng cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, sớm hoàn thiện các thủ tục, quy trình để thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng trước khi trình UBDT cuối tháng 9/2020.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả tỉnh Cao Bằng đạt được trong phát triển KT-XH, cũng như việc thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua. Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị tỉnh Cao Bằng đưa nội dung thực hiện Chương trình MTQG vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 (đưa vào nội dung trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh, ra Nghị quyết chuyên đề về Chương trình MTQG). Tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa vai trò cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh.
Về một số đề nghị của tỉnh Cao Bằng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cơ bản đồng tình, đặc biệt các ý kiến liên quan đến y tế, giáo dục. Đối với việc phân định xã, thôn vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh Cao Bằng rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng gợi ý, tỉnh làm rõ thêm một số nội dung trong Chương trình MTQG mà tỉnh Cao Bằng quan tâm, đặc biệt là việc thành lập Ban Chỉ đạo, thực hiện thí điểm triển khai Chương trình MTQG tại 01 huyện mới sáp nhập. Trên cơ sở thực tế, UBDT sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tỉnh Cao Bằng quan tâm, đồng hành để thực hiện tốt Chương trình MTQG, đem lợi ích tốt nhất cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, có đường biên giới với Trung Quốc dài trên 333km. Tổng diện tích tự nhiên trên 6.700km2, dân số trên 54 vạn người, với 27 thành phần dân tộc. Tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố với 161 xã, phường, thị trấn. Tỉ lệ hộ nghèo 33.616 hộ (26,7%), hộ cận nghèo là 18.733 (14,53%). Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Cao Bằng có 156 xã ĐBKK, xã ATK, xã biên giới được đầu tư; 98 xóm ĐBKK thuộc 29 xã, phường, thị trấn khu vực II được đầu tư. 185/199 xã được đầu tư theo Chương trình 135. Đến đầu năm 2020, sau khi thực hiện việc sáp nhập, điều chỉnh là 150/161 xã.