Đoàn công tác Trung ương làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi

04:17 PM 18/04/2019 |   Lượt xem: 8233 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh chủ trì buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Đức - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã báo cáo thông tin về tình hình sau 10 năm thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW. Qua đó, nhiều nội dung phối hợp trong công tác đã được thực hiện tốt, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, Ban Tuyên giáo của 14/14 huyện, Thành ủy đã ký kết Chương trình phối hợp với các cơ quan quản lý các cấp, tham mưu cho các cấp tổ chức đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân, qua đó, giải quyết được những bức xúc của nhân dân.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin dư luận xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. 14/14 huyện, thành phố đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy với nhân dân, Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn cũng tích cực đối thoại với nhân dân. Thông qua đối thoại đã giải quyết nhiều vụ việc được nhân dân phản ánh, kiến nghị. Một số vụ việc như: bố trí lô sạp ở chợ Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Dung Quất - Sa Huỳnh, cầu Thạch Bích, các khu xử lý chất thải rắn, bồi thường giải phóng mặt bằng… qua đó, giải thích để nhân dân biết và hiểu về dự án, giải quyết những vấn đề nổi cộm được báo chí và dư luận phản ánh.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, Ban Tuyên giáo, Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết 101 vấn đề dư luận xã hội phản ánh, trong đó có 73 vụ việc đã được giải quyết. Hiện nay, một số nội dung đang được các sở, ngành, địa phương tiếp tục giải quyết. Nhờ đó, khắc phục được những tồn tại, vương mắc ngay từ cơ sở, không phát sinh “điểm nóng”, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức On - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong tỉnh theo Quyết định 221-QĐ/TW là chặt chẽ và cần thiết. Sự phối hợp này góp phần giải quyết tốt những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân thời gian qua. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sự phối hợp giữa các cấp ngành, tỉnh, huyện với Ban Dân tộc chưa tốt trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề thủy điện, di dân tự do, định canh định cư... Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị thời gian tới, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh những vấn đề liên quan đến đồng bào DTTS trong tỉnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao tỉnh Quảng Ngãi trong việc thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW, nhất là trong công tác giải quyết những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh, trong thời gian tới các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các vấn đề liên quan đến vùng DTTS và miền núi.

Đoàn công tác Trung ương làm việc với Thành ủy Quảng Ngãi về kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW

Tiếp tục chuyến công tác, chiều cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã làm việc với Thành ủy Quảng Ngãi nắm bắt thêm về việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo Quyết định 221-QĐ/TW tại cơ sở.

Trước đó, vào chiều ngày 17/4, Đoàn công tác đã làm việc với Thành ủy Đà Nẵng và đã ghi nhận những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng. Theo báo cáo, trong 10 năm qua, Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt các chương trình như: “5 không”, “3 có”, “Thành phố môi trường”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, “Năm thu hút đầu tư”… Đáng chú ý là việc thực hiện công tác quy hoạch đô thị, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, nắm bắt dư luận xã hội, phối hợp giải quyết những vấn đề khiếu nại, bức xúc của nhân dân. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh lưu ý, thành phố Đà Nẵng cần nhận diện những hạn chế, yếu kém, phát huy các lợi thế của địa phương để phát triển KT-XH cũng như việc thực hiện công tác dân vận, chính quyền trong thời gian tới. 

Lê Phương (Báo DT&PT)