Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW tại Nghệ An

08:41 PM 21/04/2019 |   Lượt xem: 3350 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc buổi làm việc

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, qua quá trình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về Công tác dân tộc và Chỉ thị số 45- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, kinh tế, xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được kết quả quan trọng. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí đã đề ra.

Cụ thể, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi luôn được quan tâm. Đến nay đã có 98,7% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã; hệ thống thuỷ lợi đã đảm bảo nước tưới cho 90% diện tích lúa 2 vụ, cây màu và cây công nghiệp; 90% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; 99% số xã có trạm y tế; 83% số xã có bác sĩ về công tác; 82% số hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ bản xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Từ năm 2016 đến năm 2018, bằng các nguồn vốn đầu tư, vùng miền núi và vùng DTTS đã hoàn thiện được 18 công trình hạ tầng. Thông qua Chương trình 135, tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 2.203 công trình phục vụ dân sinh cho nhân dân.

Công tác giáo dục vùng DTTS đã có nhiều tiến bộ. 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục được nâng lên, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 1.649 người, đạt 100%.

An ninh quốc phòng được đảm bảo, giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy như: Khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức Ngày hội văn hóa-nghệ thuật, thể thao khu vực, tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam… Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao nông thôn đã có sự phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Về thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, sau 25 năm KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, chuyển biến tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm dần hằng năm; công tác giáo dục-đào tạo, sắp xếp cán bộ, công chức là người dân tộc Mông, là đảng viên trong hệ thống chính trị tăng theo từng năm. Đồng bào từng bước từ bỏ những hủ tục lạc hậu, yên tâm lao động sản xuất, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo, khó khăn so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao. Năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo khu vực DTTS là 66,22%, bình quân thu nhập 29,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Việc giải quyết nhu cầu thiết yếu của đồng bào về đất sản xuất, điện, nước sinh hoạt có nơi còn chậm; hệ thống y tế cơ sở còn khó khăn.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến biểu dương những kết quả và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị 45- CT/TW. Qua đó, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và đạt được những mục tiêu đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, lòng tin của đồng bào các dân tộc được củng cố vững chắc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục quán triệt và xác định vấn đề dân tộc là vấn đề chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn hơn; đẩy mạnh công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Tiếp tục nghiên cứu tạo sinh kế cho người dân, từng bước nâng cao thu nhập, khắc phục tình trạng tái nghèo, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS. Đồng thời, tỉnh cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất cho Đảng, Chính phủ về việc tích hợp, lồng ghép các chính sách dân tộc, chính sách phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Về các chính sách cho đồng bào Mông trên địa bàn, tỉnh cần nghiên cứu kỹ cách làm, chọn địa điểm thích hợp để tiếp nhận và tái định cư cho những hộ gia đình trở về quê hương ổn định cuộc sống, cùng với đó là tạo sinh kế để đồng bào Mông yên tâm phát triển sản xuất. Đây là vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến an ninh, biên giới quốc gia mà Chính phủ đang rất quan tâm. Tỉnh Nghệ An cũng cần chú ý triển khai các chính sách phù hợp, nhằm giúp người Mông khu vực biên giới có cuộc sống ổn định để đồng bào có khát vọng vươn lên thoát nghèo, xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa…

Minh Thứ (Báo DT&PT)