Giám sát, đánh giá Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa theo kết quả
12:00 AM 05/12/2019 | Lượt xem: 2020 In bài viết |Từ ngày 29/11 - 04/12/2019, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do ông Trần Văn Đoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp làm Trưởng đoàn đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai và Kon Tum tiến hành giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa theo kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới về các vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số (DTTS) và giới.
Đoàn công tác đã tới và làm việc với các xã: Ia Dom huyện Đức Cơ, Ia Tôr huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; xã Hà Mòn và Đắk La huyện Đắk Hà tỉnh Kon Tum. Tham gia cùng đoàn còn có các chuyên gia của Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế.
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa theo kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là SupRSWS) được triển khai tại 21 tỉnh trong cả nước, thực hiện theo Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2019, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp các cơ quan, đơn vị và UBND các tỉnh tổ chức 02 đợt kiểm tra, đánh giá công tác truyền thông tại 05 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Gia Lai, Kon Tum). Tại những điểm đến, Đoàn công tác đã kiểm tra một số công trình vệ sinh và công trình cấp nước, phỏng vấn nhanh một số hộ gia đình DTTS được hưởng lợi từ Chương trình; trao đổi với cán bộ địa phương cũng như các hộ gia đình về tiến độ và các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến DTTS và bình đẳng giới, trong đó tập trung vào công tác truyền thông thay đổi hành vi; nâng cao năng lực; hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và đánh giá Chương trình, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình.
Khảo sát một số nhà xí hợp vệ sinh tại xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác đã lắng nghe ý kiến, khó khăn vướng mắc cũng như sự hưởng ứng của một số hộ dân được hưởng lợi từ Dự án. Qua đó, nêu lên một số hướng giải quyết, với mục đích thay đổi hành vi, thói quen của các hộ DTTS, nâng cao năng lực trong công tác vệ sinh và sử dụng nước sạch nông thôn tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Văn Đoài đề nghị: Đối với các đơn vị là đầu mối thực hiện Chương trình ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum phối hợp với địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để nâng cao năng lực đối với các hộ DTTS nhằm thay đổi hành vi, tăng cường tỷ lệ người DTTS (đặc biệt là phụ nữ) được tiếp cận bền vững với nước sạch; tạo nhu cầu về thực hành tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới trong các hoạt động của Chương trình.
Vụ Tổng hợp