Rà soát, lồng ghép, tích hợp các chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc
08:32 PM 20/03/2019 | Lượt xem: 4782 In bài viết |Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tại buổi làm việc với tỉnh Lai Châu về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc và Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông. Tham gia buổi làm việc có lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam...
Báo cáo của tỉnh Lai Châu nêu rõ: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24, đến nay tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống của nhân dân được nâng lên; nhiều hộ gia đình nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo, ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Trình độ dân trí được nâng cao, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm; mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào ngày càng cải thiện; chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng cao...
Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), hạ tầng kinh tế vùng đồng bào Mông sinh sống từng bước được đầu tư. Đến nay, 100% số xã trong vùng dân tộc Mông của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, điện lưới quốc gia, trạm y tế và có điểm bưu điện văn hóa; hơn 93% số hộ được dùng điện; trên 90% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 67,4% số, phòng, lớp học được kiên cố hóa; 100% trẻ em người Mông nói được tiếng phổ thông trước khi vào lớp 1. Từ năm 2004 đến nay đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 84.900 người, trong đó 15.282 người dân tộc Mông. Các chính sách tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc Mông được quan tâm...
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, với đặc thù là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước, trong quá trình triển khai Nghị quyết, Chỉ thị về công tác dân tộc, tỉnh Lai Châu còn một số tồn tại nhất định, đó là: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng miền; việc giải quyết nhu cầu thiết yếu của đồng bào về sản xuất, điện, nước sinh hoạt có nơi còn chậm; hệ thống y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, thiếu đội ngũ y sĩ, bác sĩ và trang thiết bị y tế, chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp, việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật, hoạt động đạo lạ, tà đạo, di cư tự do, khiếu kiện đông người, vượt cấp ở một số nơi vẫn xảy ra...
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn tồn tại này, tỉnh Lai Châu kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước một số nội dung như: Rà soát, đánh giá toàn diện công tác, chính sách dân tộc, tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách dân tộc gắn với chính sách bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ phát triển rừng để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn bó bảo vệ biên giới, tài nguyên quốc gia. Quốc hội sớm ban hành Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động cho địa phương trong thực hiện chính sách và phân bổ nguồn lực phù hợp với thực tiễn từng địa phương, vùng miền...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đưa ra một số vấn đề mà tỉnh Lai Châu cần quan tâm, giải quyết tốt trong thời gian tới như: Công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ trẻ là người DTTS, quan tâm triển khai những chính sách đặc thù giành cho một số dân tộc ít người trên địa bàn...
Đồng chí Trương Thị Mai tặng quà cho đại diện người có uy tín của huyện Phong Thổ (Lai Châu)
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Lai Châu đã đạt được trong thời gian qua trong thực hiện các chính sách dân tộc. Đồng chí đề nghị tỉnh Lai Châu cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các dân tộc trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương rà soát, lồng ghép, tích hợp các chính sách dân tộc để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc; củng cố, xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong vùng đồng bào DTTS; thực hiện công khai minh bạch, dân chủ trong việc triển khai các chế độ chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Việc triển khai các chính sách đầu tư cần tập trung, tránh dàn chải để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, các vùng miền. Nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào các dân tộc, quan tâm bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nâng cao chất lượng, năng lực cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ người DTTS… Tập chung bám, nắm cơ sở, kịp thời phát hiện và giải quyết phát sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại thôn bản.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận và sẽ có những chỉ đạo kịp thời các bộ, ban, ngành liên quan, cùng với địa phương giải quyết và tháo gỡ kịp thời.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh tặng quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Trọng Bảo