Sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
02:40 PM 24/12/2019 | Lượt xem: 2956 In bài viết |Ngày 24/12/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm (2017-2019) thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án). Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc UBDT, lãnh đạo Ban Dân tộc một số địa phương.
Dự thảo báo cáo Kết quả 03 năm thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của UBDT chỉ rõ: Trong 03 năm, UBDT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chính sách dân tộc, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Cụ thể: Đã tổ chức 05 hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL tại các địa phương. Tổ chức 14 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, PBGDPL cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh. Tổ chức 03 lớp bồi dưỡng, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh. Xây dựng 03 mô hình điểm tại các xã, thôn, bản về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL và chính sách dân tộc (mỗi mô hình điểm có 50-70 thành viên tham gia). Biên soạn và cấp 03 sổ tay, 04 tờ gấp, cung cấp 3.500 đầu sách cho các tuyên truyền viên, báo cáo viên; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ DTTS…
Quang cảnh Hội nghị.
Theo đánh giá, việc thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS và miền núi; phản ánh kịp thời các tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình làm kinh tế giỏi, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo… Nhiều địa phương đã đề ra chỉ tiêu về giảm nghèo vùng DTTS và miền núi, xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) hằng năm, xây dựng giải pháp cụ thể và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện các đề án, chính sách. Nhờ thực hiện tốt công tác PBGDPL, KT-XH vùng DTTS có nét khởi sắc, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS được quan tâm. Vùng đồng bào DTTS không phát sinh “điểm nóng”, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những tham luận, cùng nhau chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, PBGDPL như: huy động kinh phí tuyên truyền, PBGDPL; việc lồng ghép công tác tuyên truyền, PBGDPL với các nội dung khác; việc sử dụng tiếng DTTS; đổi mới về nội dung và phương pháp. Một số ý kiến của đại biểu đề nghị tiếp tục kéo dài Đề án, tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò Người có uy tín, trưởng thôn bản cho công tác PBGDPL.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh khẳng định: Sau 03 năm thực hiện, Đề án đã thực sự đi vào cuộc sống, đạt được một số kết quả quan trọng, đã đến được với nhân dân ở các vùng miền. Phương pháp tổ chức thực hiện của tuyên truyền viên, báo cáo viên rất linh hoạt, có nhiều sáng tạo. Đồng bào nhận thức rõ hơn về chính sách pháp luật, làm chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh yêu cầu: Thời gian tới, các địa phương cần coi trọng công tác phối hợp giữa các lực lượng để thực hiện tốt Đề án trên cơ sở nâng cao chất lượng, lựa chọn phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Chọn các nội dung tuyên truyền trọng tâm, phù hợp, cụ thể hóa các nội dung PBGDPL vào các hương ước, quy ước của địa phương. Củng cố, tập hợp các tổ chức, cá nhân làm nòng cốt cho công tác PBGDPL, loại bỏ dần ra khỏi địa bàn những gì không phù hợp với tập quán, phong tục của đồng bào.