Sơ kết 3 năm Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”

07:32 PM 14/12/2018 |   Lượt xem: 13783 |   In bài viết | 

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Tư nêu rõ: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra khá phổ biến ở vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc (DTTS). Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, làm mất đi cơ hội học tập, gia tăng sự nghèo đói…. Đây cũng là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết thức hiện với quốc tế.

Trước những thực trạng trên, UBDT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025”, với mục tiêu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn, DTTS có tỉ lệ cao. Đến năm 2025, cơ bản hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam đánh giá cao chủ trương của Chính phủ Việt Nam về việc phê duyệt và triển khai Đề án. Phân tích thêm về những nguy cơ, thách thức và tác động của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với người DTTS, đặc biệt là với trẻ em nữ. Để từng bước hạn chế được vấn đề này, cần sự huy động nguồn lực về tài chính, con người và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự trao đổi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; UN Women sẵn sàng tiếp tục hợp tác và hỗ trợ để cùng thực hiện mục tiêu chung của Đề án.

Theo Báo cáo, từ năm 2016 đến 2018, UBDT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện Đề án; phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin. Cụ thể như: Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và phát sóng 3 clip cổ động tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên các kênh VTV1, VTV2, VTV5 và Đài phát thanh, truyền hình của 15 địa phương; thực hiện nhiều buổi tọa đàm, phát phóng sự trên các kênh phát thanh và truyền hình; xây dựng chuyên trang/chuyên mục và các tin, bài trên Báo Dân tộc và Phát triển, Cổng thông tin điện tử; tổ chức biên soạn, in ấn một số tài liệu truyền thông bằng tiếng dân tộc; chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc các địa phương tổ chức 20 cuộc tập huấn, triển khai thực hiện mô hình điểm…

Toàn cảnh Hội nghị

Tại các địa phương, đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; tổ chức hơn 300 cuộc tập huấn, hội nghị cung cấp thông tin; thiết kế lắp đặt hơn 200 pano, áp phích; trên 50.000 tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp pháp luật để triển khai công tác tuyên truyền.

Ngoài ra, một số tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình điểm tại các xã, từ đó đã tổ chức trên 50 hội nghị đánh giá thực trạng, gần 100 khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hàng trăm buổi tư vấn, tuyên truyền…

Tại Hội nghị, một số đại biểu đã chia sẻ các bài kinh nghiệm, cách làm hay của địa phương mình như: Tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị ông mai, bà mối để các ông mai, bà mối ký cam kết không tham gia làm lễ, mai mối cho các gia đình có con tảo hôn, đồng thời vận động người dân không đến tham dự lễ cưới; mô hình Câu lạc bộ tiền hôn nhân tại tỉnh Hà Giang nhằm ngăn chặn, tuyên truyền đến người dân những tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án tại địa phương cũng được các đại biểu phân tích như: thiếu kinh phí, bất đồng ngôn ngữ, dân trí thấp, khoảng cách xa, địa bàn đi lại khó khăn, tác động của yếu tố tôn giáo, chế tài phạt chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe…

Đoàn khảo sát mô hình, kinh nghiệm thực tế tại huyện Cao Phong, Hòa Bình

Phát biểu tổng kết Hội nghị, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số ghi nhận những kiến nghị, giải pháp của các đại biểu, đồng thời đánh giá cao những mô hình, bài học kinh nghiệm hay, đang triển khai hiệu quả tại một số địa phương. Bà Nguyễn Thị Tư đề nghị cơ quan làm công tác dân tộc các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Đề án cho năm 2019, tập trung kết hợp, lồng ghép với các nguồn kinh phí khác để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Về định hướng cho thời gian tới, UBDT sẽ nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu truyền thông phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào; tăng cường giải pháp để đào tạo đội ngũ báo cáo viên cấp xã, chú ý cho đối tượng là học sinh cấp 2, cấp 3 và tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả tại địa phương.

Trước đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có buổi làm việc với chính quyền và tham quan mô hình điểm tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Việt Cường