Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà thăm và làm việc tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc

02:52 PM 09/07/2024 |   Lượt xem: 2903 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà chủ trì buổi làm việc

Báo cáo với Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà và Đoàn công tác tại buổi làm việc, cô giáo Lục Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc cho biết: Hiện tại, tổng số cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường gồm 236 người. Trong đó giáo viên là 158 người, cán bộ và nhân viên là 78 người; cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số là 65 người; về trình độ đào tạo có 121 Thạc sĩ, 70 Cử nhân. Đội ngũ giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn 100%, có nhiều kinh nghiệm trong giáo dục đào tạo học sinh hệ Phổ thông Dân tộc nội trú.

Trong thời gian qua, Trường luôn đi tiên phong trong các hoạt động để giúp học sinh các dân tộc thiểu số thực hiện “Bình đẳng về trí tuệ để bình đẳng giữa các dân tộc”; khẳng định vai trò và vị thế là Trường dân tộc nội trú đa hệ đào tạo, bồi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số có tài năng, có chất lượng cao, đặc biệt là việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ cho các tỉnh miền núi phía Bắc trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều năm gần đây, học sinh khối dân tộc nội trú thi đỗ tốt nghiệp 100%, 100% học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và Dự bị đại học, trong đó nhiều em đạt điểm xét tuyển Đại học từ 27 điểm trở lên. Hằng năm, có từ 15 đến 20 học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp Quốc gia và đạt Huy chương Vàng trong các cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế. Năm học 2023-2024, nhà trường có 19 học sinh giỏi cấp Quốc gia (trong đó có 2 giải Nhất), 2 dự án nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc đạt Huy chương Vàng.

Nhà trường chú trọng công tác nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, giáo viên và người lao động. Trong năm học 2023-2024, có 2 giáo viên học Cao học; 2 giáo viên được cử đi học Cao cấp lý luận chính trị. Nhà trường cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức…

Nhà trường thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giáo dục học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

Tại buổi làm việc, các đại biểu một số vụ cũng đã thảo luận, cho ý kiến góp ý về công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là việc chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025 và tình hình cơ sở vật chất của Nhà trường.

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Nhà trường trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững được danh hiệu Trường dân tộc top đầu của tỉnh Thái Nguyên.

Về trang thiết bị cơ sở vật chất, đề nghị Nhà trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan rà soát, đánh giá lại những danh mục cần thiết để lập dự án thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc theo Chương trình mục tiêu quốc gia 1719.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà và các thành viên trong Đoàn công tác, cô giáo Lục Thúy Hằng xin hứa Nhà trường sẽ nghiêm túc thực hiện và phấn đấu đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thời gian tới.

Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có trụ sở tại xã Quyết Thắng, Thành phố Thái Nguyên, với diện tích 59.924,8m2. Hiện, trường có gần 3.000 học sinh của 32 dân tộc đến từ 21 tỉnh học tập tại trường với 2 hệ đào tạo: Phổ thông Dân tộc nội trú và Dự bị Đại học Dân tộc.

Trường được thành lập năm 1957, với tên gọi là Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc. Trường vinh dự được 3 lần đón Bác Hồ về thăm, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Năm 2014, Nhà trường được phong tặng danh hiệu Tập thể Anh hùng Lao động.

Từ khi thành lập đến nay, Nhà trường đã đào tạo được hơn 60.000 học sinh là con em của 32 DTTS thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, trong đó có hơn 600 học sinh thiểu số dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Cơ Lao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y... Nhiều em đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lí làm việc ở Trung ương và địa phương, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ vùng biên giới, hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

(baodantoc.vn)