“Cần thiết phải đổi mới mô hình, tạo cơ chế, chính sách riêng biệt để các trường dự bị đại học chủ động, phát huy vai trò, góp phần tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi”
03:00 PM 10/11/2022 | Lượt xem: 10570 In bài viết |Đó là ý kiến của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Lê Sơn Hải tại Hội thảo Phát triển mô hình trường dự bị đại học gắn với tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, diễn ra vào ngày 10/11, tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hội thảo do UBDT phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức.
Tham dự Hội thảo có ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đại diện một số vụ, đơn vị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, UBDT, Bộ GD&ĐT, đại diện Lãnh đạo Ban Dân tộc và sở, ban, ngành một số tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi; đại diện Lãnh đạo các trường chuyên biệt của UBDT và một số trường đại học trong khu vực; cùng sự tham dự của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải cho biết: Hệ thống trường dự bị đại học dân tộc là trường chuyên biệt nhằm góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là nơi tạo nguồn cán bộ người DTTS và miền núi. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ vững quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS miền núi.
Quang cảnh hội thảo
Trải qua quá trình phát triển, cùng với hệ thống chính sách hiện hành, các trường dự bị đại học dân tộc đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động, đòi hỏi phải có mô hình, cơ chế, chính sách, giải pháp mới để củng cố, phát triển mô hình chuyên biệt này.
“Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất giải pháp đổi mới và phát triển mô hình trường dự bị đại học gắn với tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải: Cần thiết phải đổi mới mô hình, tạo cơ chế, chính sách riêng biệt để các trường dự bị đại học phát huy vai trò, góp phần tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung chính như: Thực trạng công tác quản lý các trường dự bị đại học, công tác đào tạo dự bị đại học thời gian qua; Vai trò, trách nhiệm, nhu cầu, yêu cầu của các địa phương đối với công tác đào tạo dự bị đại học. Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước; công tác quản lý, điều hành của các trường dự bị đại học, gắn với tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trong bối cảnh tình hình mới.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: HĐND và UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương hoạt động và phát triển
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong công tác tuyển sinh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương cho biết: Hiện nay, 3/4 trường dự bị đại học dân tộc không tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó có những trường chỉ tuyển được 50% học sinh, mặc dù học sinh của các trường dự bị đại học được hưởng rất nhiều ưu đãi. Tỷ lệ học sinh đỗ thẳng vào các trường đại học đã đạt khoảng 55%, một số trường đạt tới trên 90% nên học sinh DTTS có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn ngành học khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học. Bên cạnh đó, một số trường đại học sử dụng nhiều hình thức để tuyển đủ chỉ tiêu, như: hạ điểm chuẩn bằng với điểm sàn của Bộ GD&ĐT, xét tuyển học bạ... Vì vậy, chỉ có những học sinh DTTS chưa đạt nguyện vọng đỗ vào các trường đại học trọng điểm thì mới chọn con đường bồi dưỡng qua hệ dự bị đại học.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương trình bầy báo cáo tham luận tại hội thảo
Nhu cầu của học sinh đối với loại hình dự bị đại học đang ngày càng giảm sút do chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố về khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế gia đình, sự thay đổi trong thị trường lao động cần “nhiều thợ hơn thầy”. “Đây là những khó khăn, thách thức mà rất cần các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các cơ sở giáo dục dự bị đại học phải tìm cách tháo gỡ, có hướng đi đột phá để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, cũng như nâng cao chất lượng bồi dưỡng nhằm tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị.
Bà Vũ Thị Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT): công tác tuyển sinh hệ dự bị đại học phải có những thay đổi, để phù hợp hơn với thực tế
Bà Vũ Thị Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Trong những năm học gần đây số lượng học sinh đăng ký vào học hệ dự bị đại học có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân một phần do xu hướng tuyển sinh chung của các trường đại học, cao đẳng và phần khác là do chất lượng giáo dục bậc trung học tại các địa phương vùng dân tộc ngày càng được nâng cao, nhiều học sinh DTTS sau khi tham gia kì thi THPT quốc gia đã đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng mà không phải qua một năm học dự bị. Đây là một tín hiệu tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức cho công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường dự bị đại học.
Trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng trong các năm tiếp theo còn tiếp tục được điều chỉnh đòi hỏi công tác tuyển sinh hệ dự bị đại học phải có những thay đổi, để phù hợp hơn với thực tế.
Bà Lục Thúy Hằng, Hiệu Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc trao đổi ý kiến tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để củng cố lại hệ thống trường dự bị đại học dân tộc. Một số ý kiến cho rằng: Cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trong tuyển sinh dự bị đại học, đưa thông tin về các chế độ, chính sách dự bị đại học đến với đồng bào DTTS; Điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù dành cho học sinh, giáo viên dự bị đại học và xây dựng mô hình liên cấp trong các trường dự bị đại học nhằm đảm bảo chất lượng tạo nguồn nhân lực; đổi mới nội dung, chương trình, môi trường học tập để thu hút học sinh; sự phối hợp giữa nhà trường, địa phương và nhu cầu tuyển dụng lao động; cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa UBDT và Bộ GD&ĐT…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải khẳng định: Thời gian qua, hệ thống trường dự bị đại học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, mô hình dự bị đại học dân tộc đã nảy sinh nhiều vướng mắc bất cập, cần có sự điều chỉnh để phù hợp với giai đoạn mới.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại hội thảo
Thời gian tới, cần rà soát, xác định lại mô hình đào tạo dự bị đại học dân tộc để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là loại hình đào tạo đặc thù, cần có chính sách đặc biệt cho mô hình đặc biệt, cần có cơ chế đủ mạnh để phát triển mô hình chuyên biệt này. Cần đảm bảo về cơ sở vật chất, tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng công tác giảng dạy. Ngoài ra, cần quan tâm thực sự đến yếu tố con người, phải lấy con người làm trung tâm của quá trình phát triển.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đề nghị, các vụ, đơn vị của UBDT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, từ đó tham mưu xây dựng chính sách phát triển hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc. Các trường cần có phương án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai mô hình quản lý, hoạt động trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Nhân dịp này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở ban ngành của các địa phương đối với UBDT và lĩnh vực giáo dục dân tộc. Đồng thời, cám ơn Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đã phối hợp trong công tác tổ chức, tiếp đón để Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.