Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc

02:55 PM 15/08/2017 |   Lượt xem: 10761 |   In bài viết | 

TS.Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Xây dựng hệ thống CSDL về DTTS và CSDT với mục tiêu trọng tâm là phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2020. Hệ thống sẽ được triển khai xây dựng trong hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc; số liệu được tổ chức lưu trữ một cách thống nhất và hệ thống để dùng chung; cho phép dễ dàng tổng hợp, phân tích, khai thác thông tin một cách hiệu quả phục vụ kịp thời và nhanh chóng cho công tác chỉ đạo điều hành chuyên môn nghiệp vụ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc Trung ương và địa phương.

Đề tài định hướng xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh, tổng thể các CSDL tầm quốc gia về DTTS, CSDT, KH&CN vùng dân tộc, bản đồ số các dân tộc Việt Nam, cũng như các hệ thống thông tin quản lý, xử lý, tính toán, hiển thị các dữ liệu nhằm cung cấp các dữ liệu/thông tin, báo cáo theo bộ tiêu chí và chỉ số về dân tộc xác định và khả năng hiển thị trên các bản đồ số.

Giải pháp chung cho việc xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về DTTS và CSDT là một hệ thống tập trung tại UBDT, dựa trên tầng CNTT của Trung tâm Thông tin, với các điểm nhánh cập nhật dữ liệu tại các Ban Dân tộc và một số đơn vị phối hợp tại các Bộ/ngành bằng ứng dụng trên nền web, cũng như việc tích hợp dữ liệu với các CSDL quốc gia, các hệ thống dữ liệu của các Bộ/ngành trên toàn quốc.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Bế Trung Anh, Phó Giám đốc Học viện Dân tộc đã báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc” bao gồm nội dung: Các nghiên cứu, dự án, chương trình liên quan tới các nội dung nghiên cứu; bài học về CSDL dân tộc thiểu số và CSDT tại Ấn Độ, Trung Quốc; nghiên cứu khảo sát thực trạng và nhu cầu về dữ liệu/thông tin DTTS của các Bộ/ngành chính, các địa phương trên toàn quốc.

PGS.TS cũng cho biết: Thời gian tới, đề tài sẽ thu thập, sàng lọc thông tin, dữ liệu KHCN về DTTS từ nguồn có sẵn ở Bộ KHCN, các viện nghiên cứu, trường đại học; thu thập thông tin, dữ liệu KHCN về DTTS ở các Bộ, ngành, địa phương; số hóa, phân loại thông tin, dữ liệu KHCN về DTTS theo kết quả nghiên cứu, các tiến bộ KHCN, các nhà khoa học là người DTTS, tổ chức KHCN tại các Bộ, ngành, địa phương...

Đề tài nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, các Bộ, ngành và địa phương với các bài tham luận rất ý nghĩa. Các bài viết thể hiện tâm huyết, sự quan tâm của các nhà khoa học đối với cơ sở dữ liệu DTTS.

Đối với cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về DTTS và chính sách dân tộc, TS.Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia cần tường minh hơn nữa, phạm vi rõ ràng để tăng tính khả thi; nhấn mạnh tính cấp thiết của Đề tài; lấy dữ liệu làm trọng tâm.Vì vậy, khi triển khai dự án cần phân tích kỹ thêm dữ liệu, các ngữ nghĩa liên kết các mảng dữ liệu, ngữ nghĩa kết nối ra bên ngoài và cần cân nhắc, xem xét quy chế, cam kết với các Bộ, ngành khác để dữ liệu khi xử lý ra hiệu quả nhất.

Đối với nội dung CSDL chính sách dân tộc, PGS.TS.Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc đã đưa ra một số đóng góp: Về chuẩn cơ sở dữ liệu, cần đảm bảo thống nhất chuẩn dữ liệu dùng chung để kế thừa các dữ liệu về chính sách chung; có kết nối liên thông với hệ thống cơ sở quốc gia về các lĩnh vực liên quan; phải thuận lợi trong cập nhật thông tin và bổ sung dữ liệu; tương thích với các kết quả điều tra thống kê; đảm bảo khai thác hiệu quả thông tin về CSDT. Về nội dung đề tài, cần phân loại rõ chính sách theo tộc người, chính sách theo vùng và chính sách theo lĩnh vực; hệ thống hóa các chính sách theo các nhóm khác nhau; phải có thông tin trích yếu các CSDT trong các chính sách chung để dễ dàng tra cứu; phải có số liệu để phân tích kể quả thực hiện CSDT; có nội dung thu thập, tổng hợp những phản hồi từ thực tiễn thực hiện chính sách. Về khai phá cơ sở dữ liệu, cần cung cấp công cụ tra cứu trường dữ liệu; có công cụ phân tích dữ liệu theo khung đánh giá chính sách.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo cũng đã tiến hành thảo luận và nghe ý kiến nhận xét, các câu hỏi từ phía các đại biểu tham dự. Đa số các ý kiến đồng tình với vấn đề nghiên cứu đặt ra và cho rằng, Đề tài có tính thời sự và cấp thiết cao; các mục tiêu và nội dung nghiên cứu được đặt ra là một hướng đi đúng nhằm giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, các vấn đề còn thiếu trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất to lớn, thiết thực.

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao các ý kiến tham luận và ý kiến đóng góp, các câu hỏi đặt ra của đại biểu tham dự, các ý kiến rất thiết thực với Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Thông qua các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa để đề xuất CSDL hữu ích, thiết thực, hiệu quả và chính xác; phải kế thừa kết quả và chia sẻ kết nối với các cơ sở quốc gia, với các Bộ, ngành địa phương đảm bảo tính liên thông, liên kết hệ thống từ trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành với nhau; kinh phí ngân sách hạn hẹp nên coi trọng xã hội hóa, có sự tham gia của cộng đồng; trong điều kiện dữ liệu về DTTS còn đa dạng, phức tạp nên đề tài cần xác định hướng đi, lộ trình phù hợp; vừa xây dựng Đề tài, vừa triển khai thực hiện. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Phải có sự tham gia của các nhà dân tộc học, nhân học, các nhà chính sách, tập hợp các chuyên gia đa ngành trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án.

Kim Thu