“Phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động tích cực vượt khó đi lên..."

09:39 PM 17/10/2016 |   Lượt xem: 7539 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

"Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện vùng dân tộc và miền núi (DTTS&MN), góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Giai đoạn 2011-2015, Chương trình 135 đầu tư trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn bản, thuộc địa bàn 415 huyện, 52 tỉnh, thành phố với số kinh phí là 15.762 tỷ đồng, đã hỗ trợ sản xuất trên 1,33 triệu hộ; đầu tư xây dựng 21.189 công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế…; duy tu, bảo dưỡng 5.799 công trình hạ tầng; mở thêm 4.000 lớp tập huấn khuyễn nông, khuyến lâm.

Cùng với Chương trình 135, nhiều chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả: Định canh định cư cho gần 30.000 hộ, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hơn 12.000 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho gần 7.000 hộ; hỗ trợ 8.500 hộ DTTS đồng bằng sông Cửu Long được vay vốn ưu đãi, 4.600 hộ có đất ở. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% (năm 2011) xuống còn 16,8% (cuối năm 2015). Kết thúc giai đoạn 2011-2015, đã có 80 xã và 372 thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, thiên tai, dịch bệnh; thiếu việc làm, thu nhập thấp; tỷ lệ trẻ em bỏ học cao… vẫn đang là thách thức lớn; thiếu nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc đang là cản trở lớn của chúng ta.

Qua kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN vẫn còn 23,1% (cao gấp 3,3 lần mức bình quân chung của cả nước), cá biệt một số nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%; lao động trên 15 tuổi qua đào tạo mới đạt 6,2% (cả nước 18,2%); hơn 20% người DTTS trên 15 tuổi chưa biết đọc, biết viết những câu tiếng việt thông thường; vẫn còn 10 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 45% và 6 dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trên 25%.

Thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện dự án Chương trình 135: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn, với tổng số vốn là 16.615 tỷ đồng.

Toàn cảnh Hội nghị

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng tiêu chí xác định thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I làm căn cứ để xác định thôn, bản, xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, quý I/2017 Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt danh sách xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2021; theo phân cấp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ phê duyệt danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc diện  đầu tư  của Chương trình 135. Ủy ban Dân tộc trân trọng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN giai đoạn 2016-2020: Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; (4) Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới;  Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt một số chính sách mới:  Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2016 - 2020;  Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025;  Đề án đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN giai đoạn 2017 - 2021; Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng ĐBKK giai đoạn 2017-2020;  Đề án Tăng cường vai trò của người có uy tín đối với công tác dân tộc trong vùng dân tộc thiểu số.

Như vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác dân tộc, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN. Vấn đề quyết định là chúng ta phải nỗ lực huy động nguồn lực, đổi mới cách tổ chức thực hiện, theo hướng phân cấp cho tỉnh trực tiếp quản lý nguồn lực, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; tăng vay, giảm cho không, hỗ trợ có điều kiện; phát huy nội lực của đồng bào các DTTS, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động tích cực vượt khó đi lên…, đó là yếu tố nền tảng để đảm bảo thắng lợi của chương trình, đạt mục tiêu đề ra

Nhân Hội nghị hôm nay, Ủy ban Dân tộc trân trọng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực hiện đúng Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc và Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-BNV-UBDT ngày 22/12/2014 của Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (không đặt vấn đề sắp xếp lại Phòng Dân tộc cấp huyện).

Trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành; tỉnh, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng DTTS&MN. Đồng bào các DTTS luôn biết ơn và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục đồng lòng, chung sức, nỗ lực phấn đấu vượt qua chính mình, hội nhập và phát triển cùng đất nước".

Đỗ Văn Chiến
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc