Ủy ban Dân tộc tập huấn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

09:38 AM 01/10/2015 |   Lượt xem: 1149 |   In bài viết | 

Tham dự Hội nghị tập huấn có hơn 100 đại biểu là đội ngũ người có uy tín và cán bộ làm công tác dân tộc thuộc một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như: Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội. Báo cáo viên tại Hội nghị tập huấn là Thạc sĩ Đoàn Thu Huyền, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47,4%, nữ giới 1,4% (GATS 2010) ~ 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc), 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà. 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà, hơn 5 người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. 40.000 người tử vong hằng năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đến năm 2030, có thể tăng lên 70.000/năm (WHO). Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%, không hút thuốc lá: 3,2%. Theo số liệu của Viện Chiến lược và Cơ sở y tế, năm 2011 bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu người sống khỏe mạnh của người Việt, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.

Hội nghị tập huấn nhằm phổ biến về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó tập trung vào: tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và thực trạng triển khai; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, đồng chí Triệu Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây công tác này đã được UBDT đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đồng bào sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền còn gặp nhiều trở ngại. Một nguyên nhân nữa là do phong tục tập quán của địa phương và cũng do nhận thức của người dân còn hạn chế nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày càng được phổ biến rộng rãi, hướng đến môi trường không khói thuốc. Đồng chí Triệu Hồng Sơn mong muốn, qua Hội nghị tập huấn, các đại biểu người có uy tín và cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc là đi vào cuộc sống của người dân.

Qua lớp tập huấn đội ngũ người có uy tín, cán bộ làm công tác dân tộc khi trở về địa phương sẽ có thêm những kiến thức, tuyên truyền rộng rãi đến đồng bào về tác hại của thuốc lá để từ đó hạn chế, giảm dần tỉ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỉ lệ người mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá; bảo vệ sức khỏe cộng đồng đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sơn Nam - Tiến Đạt