Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Gia Lai

10:18 AM 24/09/2019 |   Lượt xem: 35578 |   In bài viết | 

Đất canh tác ở Tây Nguyên ngày càng khô cằn do nguồn tài nguyên rừng bị khai thác gần như cạn kiệt (Ảnh minh họa. Nguồn internet)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Đoài – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết: Hiện nay, môi trường ở nước ta nói riêng và toàn cầu nói chung đang có những diễn biến phức tạp; tình trạng lũ lụt, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở, thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, không khí, nhiệt độ tăng xảy ra với tần suất, quy mô và mức độ ngày càng cao vv... Những sự cố môi trường, thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe và phát triển sản xuất của người dân và kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có địa hình chia cắt, phức tạp.

Ông Trần Văn Đoài nhấn mạnh, Hội nghị là dịp cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho các đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, đội ngũ người có uy tín về bảo vệ môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường. Đội ngũ cán bộ cơ sở và người có uy tín sẽ là những hạt nhân, có vị trí, tiếng nói trong cộng đồng, đi đầu và vận động người dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Với chủ đề “Bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số”, tại hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được báo cáo viên trao đổi và chia sẻ về các chuyên đề như: Tổng quan về môi trường; các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Những vấn đề về môi trường vùng dân tộc và miền núi hiện nay, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và sự suy giảm thiên nhiên, đa dạng sinh học. Công tác bảo vệ môi trường của địa phương và việc vận động nhân dân thực hiện bảo vệ môi trường tại gia đình và trong cộng đồng dân cư. Lồng ghép các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, vệ sinh nông thôn.

Xoay quanh các nội dung của chương trình tập huấn, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi và được báo cáo viên trao đổi, làm rõ đối với một số vấn đề liên quan đến nguyên nhân của thời tiết cực đoan, cháy rừng... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ các thông tin liên quan đến môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, như: Thực trạng nguồn nước trong những năm gần đây; vấn đề dịch bệnh; tình trạng và chất lượng đất, diện tích rừng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...