Tham vấn ý kiến xây dựng Đề án bảo vệ và nâng cao chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người

09:19 PM 14/10/2019 |   Lượt xem: 13560 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông phát biểu tại Hội thảo

Theo dự thảo Đề án, trong số 53 dân tộc thiểu số của nước ta có 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt, La Hủ); 4 dân tộc dưới 8.000 người (La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt); 6 dân tộc dưới 5.000 người (Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái); 5 dân tộc dưới 1.000 người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu) và một số dân tộc ít người có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Phù Lá, La Hủ. Với tổng số 74.359 người, các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) chiếm 0,08% dân số toàn quốc, 0,55% so với DTTS, nhóm dân tộc yếu thế này cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước, luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển quyền con người khi mà tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 – 4 lần so với các nhóm dân tộc khác.

Với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, những dân tộc rất ít người này có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển; bản sắc văn hóa, ngôn ngữ có xu hướng mai một, đặc biệt là chất lượng dân số thấp (tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, tầm vóc chậm phát triển, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại..). Những hạn chế này là rào cản đối với sự phát triển KT-XH và sự phát triển bền vững vùng DTTS, gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và nâng cao chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người” nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, về phát triển con người trong tình hình mới, tăng cường năng lực để đồng bào DTTSRIN nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển, được tiếp cận với các quyền cơ bản, quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng với các dân tộc khác, nâng cao chất lượng  dân số, bảo vệ giống nòi, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Dự kiến sau khi được phê duyệt, Đề án sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2020 - 2030, trong đó chú trọng vào địa bàn 13 tỉnh có người DTTS rất ít người cư trú gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum.

Trong quá trình xây dựng Đề án, đến nay Ủy ban Dân tộc đã tổ chức 08 cuộc hội thảo, tiếp thu trên 86 ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia đóng góp cho dự thảo Đề án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến đối với các nội dung thuộc Đề án, như: Tên gọi của Đề án, số liệu điều tra về thực trạng các DTTS rất ít người, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án, đặc biệt là nguồn lực tài chính thực hiện đề án...

Các ý kiến cho rằng, Đề án cần bổ sung thêm nguyên nhân những hạn chế của các chính sách đã triển khai ở vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là dành cho người DTTSRIN; cần đánh giá kỹ hơn mức độ khó khăn, thực trạng và chất lượng dân số trong đồng bào DTTSRIN, từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp cho sát hơn; Đề án cần thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, tính đột phá, tính đặc thù, tính nhân văn, tính bền vững... ; cần có mục tiêu về triển khai các mô hình theo đặc thù phù hợp với từng dân tộc, từng tỉnh. Các đại biểu đề xuất, mục tiêu Đề án chỉ nên tập trung vào “đồng bào DTTS rất ít người dưới 10.000 người”, điều này cũng sẽ khiến cho tên gọi hiện tại của Đề án khác với tên gọi được Chính phủ giao trong Nghị quyết 137/NQ-CP, do đó cần có sự lý giải, thuyết minh làm rõ sự thay đổi này.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu và cập nhật một số nội dung: Rà soát, đối chiếu lại các văn bản có nêu tên gọi của Đề án, thống nhất dùng chung một cụm từ cho phù hợp; rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bổ sung, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Ban soạn thảo xây dựng báo cáo tác động của Đề án này đối với các chương trình, đề án khác; nghiên cứu, xây dựng các mô hình theo đặc thù từng dân tộc, từng tỉnh đưa vào Đề án; rà soát đối chiếu với Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi về mục tiêu, nhiệm vụ để tránh trùng lặp.

Xuân Thường