Thẩm định Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với nhóm đối tượng 3 và 4

11:09 PM 19/10/2019 |   Lượt xem: 1778 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp.

Mục tiêu chung của Chương trình Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 02 nhóm đối tượng nhằm cập nhật, trang bị kiến thức về dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS), chính sách dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Chương trình gồm 06 chuyên đề chính như: Tổng quan về các DTTS ở Việt Nam; Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; Pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS; Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở vùng DTTS; Công tác quản lý nhà nước về văn hóa các DTTS; Công tác quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS và miền núi.

Trong quá trình giảng dạy sẽ kết hợp trao đổi, thảo luận về các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn công tác dân tộc và tìm hiểu thực tiễn công tác dân tộc (tình hình phát triển KT-XH, công tác quốc phòng-an ninh, tham quan mô hình…). Cấu chúc chương trình, nội dung, thời lượng và các tài liệu tham khảo sẽ được xây dựng phù hợp đối với từng nhóm đối tượng.

Tại phiên họp, PGS. TS Trần Trung - quyền Giám đốc Học viện Dân tộc thay mặt cơ quan thường trực xây dựng Chương trình đã báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức biên soạn và một số nội dung chính của khung các chương trình bồi dưỡng cho từng nhóm đối tượng. Với quá trình triển khai xây dựng nghiêm túc, khoa học và công phu, Ủy ban Dân tộc đã triển khai các bước thông qua đề cương, thống nhất khung chương trình; triển khai nhiều hội thảo các cấp để hoàn thiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

Từ thực tiễn của công tác dân tộc và hiện nay đã có một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng có nội dung kiến thức dân tộc, công tác dân tộc, các thành viên Hội đồng đánh giá, nhìn chung Chương trình đáp ứng được yêu cầu cập nhật thông tin, hàm lượng kiến thức hợp lý, thời lượng phù hợp, đảm bảo tính khoa học. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu tổ chức bồi dưỡng các nội dung cơ bản chung cho cả hai nhóm đối tượng, sau đó sẽ tách các nội dung riêng cho từng nhóm; một số khái niệm cần được thống nhất về mặt khoa học và pháp lý; tăng cường kiến thức về an ninh nhân dân, tôn giáo, tạo nguồn cán bộ DTTS, hội nhập quốc tế, vận động người dân và kinh nghiệm từ thực tiễn…

Phát biểu tại phiên họp, PGS. TS Nguyễn Viết Thảo - Chủ tịch Hội đồng đánh giá Chương trình bồi dưỡng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về bồi dưỡng kiến thức dân tộc và đề nghị hoàn thiện khung chương trình, thống nhất về quy trình xây dựng Chương trình bồi dưỡng. Trong đó, cần gắn công tác dân tộc của Việt Nam trong bối cảnh, tình hình mới; thống nhất cách sử dụng các thuật ngữ; tránh trùng lặp các nội dung; nghiên cứu, bổ sung nội dung công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chính sách dân tộc và bổ sung một số sách, tài liệu tham khảo.

Tại phiên họp, 100% thành viên Hội đồng đồng ý Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đạt yêu cầu và đề nghị chỉnh sửa, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý.