Xây dựng mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ dân vùng dân tộc và miền núi khu vực Đông Bắc
03:12 PM 14/10/2019 | Lượt xem: 15681 In bài viết |Từ ngày 06 đến 13/10, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng và tỉnh Tuyên Quang tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ dân vùng dân tộc và miền núi khu vực Đông Bắc”, kết hợp với tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ môi trường năm 2019 tại 2 tỉnh.
Dự án được triển khai từ năm 2018-2019, tại xã Ngọc Động (Thông Nông, Cao Bằng) và xã Đông Thọ (Sơn Dương, Tuyên Quang). Đoàn công tác do ông Trần Văn Đoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp làm Trưởng đoàn. Tham dự đoàn còn có Lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách (Học viện Dân tộc); đại diện Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng và tỉnh Tuyên Quang; Phòng Dân tộc huyện Thông Nông, Sơn Dương; đại diện UBND 2 xã tham gia dự án.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Vỹ, Chủ nhiệm Dự án, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Chính sách dân tộc đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án trong 2 năm 2018-2019. Trên cở sở nghiệm thu, đánh giá rút kinh nghiệm triển khai dự án năm 2018, Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc tiếp tục triển khai dự án năm 2019 trên địa bàn 2 xã thuộc 2 huyện Thông Nông và Sơn Dương. Số hộ tham gia là 46 hộ, trong đó có 26 hộ tham gia mô hình ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, 20 hộ tham gia mô hình xây nhà về sinh tự hoại. Dự án đã triển khai các nội dung theo đúng thuyết minh dự án đã được phê duyệt, như: phối hợp với địa phương khảo sát, bình xét hộ có đủ tiêu chí để tham gia; tổ chức tập huấn xây dựng mô hình theo phương pháp cầm tay chỉ việc; tham quan các mô hình đã triển khai năm 2018, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai năm 2019 có hiệu quả; công tác giải ngân, cấp phát kinh phí công khai và kịp thời; phối hợp chặt chẽ với cán bộ địa phương; thực hiện tốt công tác chỉ đạo xây dựng mô hình đạt hiệu quả cao.
Qua quá trình triển khai, Dự án đã đã được các hộ dân hưởng ứng, nhiệt tình tham gia, các hộ dân tham gia năm 2018 đã vận hành tốt các mô hình, là cầu nối cho các hộ dân tham gia dự án 2019 và một số hộ dân thuộc 2 xã học theo mô hình hố ủ phân và nhà vệ sinh tự hoại. Điều này đã khẳng định Dự án có hiệu quả về môi trường, gắn với việc tăng thu nhập cho các hộ dân và có tính lan tỏa cao.
Mô hình Nhà vệ sinh tự hoại tại xã Đông Thọ, Sơn Dương, Tuyên Quang
Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị kiểm tra và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, ông Trần Văn Đoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đã đánh giá cao kết quả thực hiện dự án sau 2 năm triển khai thực hiện, từ 2018-2019, tại 2 xã Ngọc Động và xã Đông Thọ. Qua kết quả kiểm tra hai mô hình hố ủ phân hữu cơ 2 ngăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp (phân gia súc, rác thải và phế phụ phẩm nông nghiệp) và nhà vệ sinh tự hoại tại 2 xã, hầu hết các hộ đều bỏ thêm kinh phí xây dựng với quy mô gấp 2-3 lần. Các công trình đã hoàn thiện và đi vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu của hộ dân và địa phương về công tác vệ sinh môi trường và tự chủ được phân hữu cơ để bón cho cây trồng, giảm được chi phí mua phân hữu cơ cho hộ gia đình từ 2-3 triệu/năm.
Sau 2 năm triển khai, đã có 5 hộ tự bỏ kinh phí để xây dựng mô hình hố ủ phân 2 ngăn và nhà vệ sinh tự hoại, một số hộ do kinh phí hạn hẹp đã tự làm hố ủ phân 2 ngăn bằng các vật liệu tận dụng tại địa phương như gép tre hoặc thân cây keo để gom phân trâu, bò về ủ. Điều này, bước đầu đã khẳng định Dự án có hiệu quả về môi trường và có tính lan tỏa cao.
Đánh giá cao sự phối hợp của Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc đã phối hợp tốt với địa phương trong chỉ đạo thực hiện dự án từ công tác khảo sát, chọn hộ, xây dựng mô hình và đưa vào sử dụng có hiệu quả, ông Trần Văn Đoài đề nghị Chủ nhiệm dự án tiếp tục phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ dân về công tác bảo vệ môi trường; tăng cường nhân rộng mô hình ra các hộ gia đình khác tại địa phương và các xã vùng lân cận.