Lồng ghép Giới trong dự thảo Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi

03:33 PM 27/09/2019 |   Lượt xem: 22056 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, một số tổ chức quốc tế và các nhà khoa học.

Thực tiễn cho thấy, đồng bào DTTS, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái gắn bó, sinh hoạt chủ yếu ở cộng đồng thôn, bản. Việc lắng nghe tiếng nói và phát huy sự tham gia của người dân vào xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách là rất cần thiết. Khoảng cách về giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm dân tộc còn lớn ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Đặc biệt, tình trạng mù chữ, tái mù chữ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân trẻ em và hôn nhân cận huyết, mua bán phụ nữ và trẻ em, công tác tiếp cận các nguồn sinh kế bền vững và vai trò của phụ nữ trong giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là ở các dân tộc rất ít người đang là những vấn đề xã hội cấp thiết, là rào cản kìm hãm cơ hội tiếp cận bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái DTTS, cũng như sự phát triển chung của vùng DTTS và miền núi.

Để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới, bên cạnh việc lồng ghép giới trong các chủ trương, chính sách, pháp luật, rất cần các chương trình, dự án với mục tiêu, giải pháp khả thi để tạo ra những chuyển biến mang tính hệ thống và hiệu quả. Triển khai xây dựng Đề án tổng thể đầu tư, phát triển KT-XH vùng DTTS, Đảng đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị: Nguyên tắc lồng ghép giới cần đảm bảo trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án; bố trí dòng ngân sách về giới để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu bình đẳng giới; điều chỉnh bổ sung các chỉ tiêu có lồng ghép giới vào các chỉ tiêu của Đề án; bổ sung các gói chính sách hỗ trợ có điều kiện đối với phụ nữ DTTS vào các dự án thành phần (tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong cộng đồng DTTS rất ít người; hỗ trợ chương trình làm mẹ an toàn cho phụ nữ DTTS: thai sản, khám thai định kỳ, gói đẻ sạch, cô đỡ thôn bản); hỗ trợ xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho phụ nữ DTTS từ 35-50 tuổi thông qua mô hình sinh kế bền vững; hỗ trợ cho phụ nữ DTTS tái hòa nhập sau mua bán người, lấy chồng nước ngoài trở về.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi ý kiến về lồng ghép giới, biện pháp thực hiện, tăng tính khả thi để đề xuất với Ban Soạn thảo Đề án. Một số ý kiến đề nghị bổ sung những vấn đề giới chưa được đề cập trong dự thảo Đề án; làm rõ các nguyên tắc bình đẳng giới trong chính sách, pháp luật hiện hành; chỉ ra các nội dung, biện pháp cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới và đề xuất các dự án thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết hiện nay đối với phụ nữ DTTS trong nội dung khung Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Tại Hội thảo, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đã trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, các nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện Đề án. Trong thời gian tới, UBDT sẽ nghiên cứu phương án xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của từng thành phần dân tộc để Đề án tập trung vào những nhóm dân tộc, những vùng khó khăn nhất tránh dàn trải, phân tán nguồn lực.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá Đề án có ý nghĩa quan trọng với đồng bào đang sinh sống ở vùng DTTS và miền núi, cho đội ngũ những người làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Đề án sẽ tập trung một số vấn đề cấp bách của vùng DTTS và miền núi cần giải quyết đó là: vùng khó khăn nhất; phát triển KT-XH chậm nhất; chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất… Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa cho biết thêm, những kiến nghị, đề xuất của Hội LHPN Việt Nam đề nghị UBDT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào Đề án. Qua đó sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái DTTS tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tạo sự chuyển biến trong bình đẳng giới, góp phần phát triển KT-XH.