Triển lãm "Các dân tộc Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước"

08:55 AM 06/06/2010 |   Lượt xem: 3583 |   In bài viết | 
Triễn lãm là một hoạt động thiết thực nhằm góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới; tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, phản ánh sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đời sống kinh tế... đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Ðiểm nhấn của triển lãm là chủ đề: "Ðồng bào các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam" với diện tích  trưng bày 600 m2, nêu bật sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong đại gia đình Việt Nam với các bảng trích dẫn: Thư Bác Hồ gửi đồng bào dân tộc thiểu số tại Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam tại Plây Cu tháng 4-1946 và Văn kiện Ðại hội Ðảng X,  nêu bật chính sách của Ðảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc. Căn cứ vào những nét tương đồng và khác biệt của văn hóa vùng miền, triển lãm giới thiệu  theo các vùng cư trú qua những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, các mô hình kiến trúc nhà ở, đại diện cho mỗi vùng văn hóa, thể hiện bản sắc riêng trong sự thống nhất chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phần đặc trưng văn hóa vùng cư trú có: Vùng thung lũng phía bắc là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Thái, Mường, Lào, Lự, Sán Chay, Hoa, Ngái, Sán Dìu... định cư theo làng, bản từ vài chục đến vài trăm nóc nhà quần tụ ở thung lũng trước núi và ven các con sông, suối. Triển lãm cũng trưng bày nhà sàn của người Thái, nghề dệt vải truyền thống của người Tày, Nùng, Thái, Mường... cùng những trang phục phụ nữ đậm đà mầu sắc dân tộc như áo dài mầu chàm của phụ nữ Tày, áo có trang trí hoa văn của phụ nữ Sán Chay, váy của phụ nữ Sán Dìu, váy và cạp váy của phụ nữ Mường, áo ngắn và khăn piêu của phụ nữ Thái... Một số loại hình nghệ thuật dân gian của cư dân thung lũng cũng được giới thiệu như: múa "Tắc xình" của người Sán Chay; sli, hát lượn của người Tày, Nùng; "khắp" của người Lự; xòe của người Thái... cùng các nhạc cụ tiêu biểu:  đàn tính, khèn bè,v.v.

Phần hai là: Vùng duyên hải miền trung, nơi có đông người Chăm sinh sống với những di tích tháp Chăm mang nét kiến trúc, điêu khắc độc đáo như: Tháp Hòa Lai, Pô Rô Mê, Phố Hài; các di tích: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Ðồng Dương cũng được trưng bày tại triển lãm, bên các hiện vật, tranh, ảnh giới thiệu về văn học nghệ thuật và lễ hội dân gian của người Chăm. Ðặc biệt là lễ hội Ka-tê, một lễ hội mang tính cộng đồng cao, thể hiện rõ phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc của dân tộc Chăm. Tiếp theo là phần trưng bày Vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, địa bàn sinh  sống của người: Ơ Ðu, Bru Vân Kiều, Co, Cà Tu, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Ðăng, Cơ Ho, Mạ, Mông, Xtiêng, Gié Triêng, Cho Ro, Rơ Măm, Brâu, Gia Rai, Ê Ðê... với các tác phẩm điêu khắc nhà mồ cùng các hình ảnh, mô hình kiến trúc nhà truyền thống, tiêu biểu là nhà rông, nơi diễn ra các sinh hoạt của cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới được giới thiệu trang trọng tại phần triển lãm này. Cuối cùng là phần triển lãm Vùng Nam Bộ của cộng đồng các dân tộc: Kinh, Khmer Nam Bộ, Chăm và Hoa với các hình ảnh về những làng, thôn, phum, sóc, chùa chiền, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, lao động, sản xuất.

Từ khu trưng bày chung cho đến những gian trưng bày chi tiết theo vùng cư trú của các dân tộc ít người, triển lãm như một bức tranh toàn cảnh sinh động thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số vừa đa dạng, vừa độc đáo,  thống nhất trong mái nhà văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chủ đề thứ hai: "Triển lãm các bộ, ngành, đơn vị về công tác đối với đồng bào các dân tộc thiểu số". Trong đó mỗi  bộ, ngành đều có phần trưng bày riêng của mình,  thể hiện sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực đời sống xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, y tế, kinh tế thông qua các chương trình, dự án phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian từ năm 2005 đến 2009. Riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trưng bày 18m2 với chủ đề: "Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, ngôi nhà chung của 54 dân tộc". Triển lãm còn có 200 bức ảnh giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong suốt thời gian triển lãm, hằng ngày còn diễn ra các chương trình chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục dân tộc của các đoàn và các trường văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Theo Nguyễn Thu Hiền (Báo Nhân dân)