Bác sĩ về với buôn, làng

11:05 AM 28/08/2010 |   Lượt xem: 3223 |   In bài viết | 

Trước đây, ở nhiều cơ sở y tế tuyến huyện, xã của tỉnh Gia Lai kết cấu hạ tầng còn yếu kém, đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, cán bộ y tế nói riêng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Thêm vào đó, thiên nhiên khắc nghiệt, một năm chỉ có hai mùa, sáu tháng mùa mưa và sáu tháng mùa khô, điều kiện sống của người dân còn khó khăn, môi trường sống chưa được cải thiện, nhiều người chưa có ý thức tự phòng bệnh và vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, vùng dịch bệnh lại thường tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống chỉ trông vào nương rẫy, đời sống khó khăn, vì vậy luôn phát sinh nhiều loại dịch bệnh. Làm thế nào để vượt qua những khó khăn đang tồn tại, những gì tốt nhất trong việc chăm sóc, điều trị sức khỏe cho nhân dân?

Từ đầu năm 2009, ngành y tế tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện Ðề án 1816 của Bộ Y tế - đưa bác sĩ về bệnh viện tuyến huyện, xã. Bệnh viện Ða khoa tỉnh Gia Lai là một trong những bệnh viện đi đầu: Bệnh viện đã cử 39 bác sĩ, luân phiên về 13 Trạm y tế xã (TYTX); thực hiện công tác chỉ đạo tuyến trước cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện như: Bệnh viện Kông Chro, Ðức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, và thường xuyên có một kíp mổ ngoại khoa và sản khoa để hỗ trợ cho Bệnh viện Chư Păh, Chư Sê... Hiệu quả nhất của việc cử cán bộ luân phiên giúp tuyến dưới, đó là, sau khi được tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao, các bệnh viện đã có bước chuyển đáng kể trong các lĩnh vực: sản phụ khoa, ngoại khoa, nhi khoa, nha khoa, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm...; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và đưa dịch vụ kỹ thuật cao đến với người dân; tham gia khám, chữa bệnh, cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân kịp thời, giảm mức độ bệnh hoặc tử vong xuống mức thấp nhất; giảm số người bệnh chuyển lên tuyến trên và giảm chi phí khám, chữa bệnh cho nhân dân... đưa bệnh viện tuyến huyện ngày càng phát triển. Ở Trung tâm y tế huyện Ðức Cơ, được sự hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình chu đáo của các bác sĩ 1816, máy truyền dịch, máy điện tim, bơm tiêm điện... đã hoạt động trở lại. Sau ba tháng vừa làm, vừa hướng dẫn, số lượng người bệnh đến khám, chữa, điều trị tăng lên rõ rệt, người bệnh được chú trọng thăm khám cận lâm sàng; được làm đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm, X quang...

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ðang, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Ðức Cơ, trong vòng hơn một năm chuyển giao kỹ thuật, các bác sĩ đã trực tiếp phẫu thuật thành công gần 300 ca, được như vậy là nhờ hiệu quả của Ðề án 1816 và chính quyền địa phương có chủ trương thu hút các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao với nhiều chính sách ưu đãi. TTYT đã thực hiện được các ca phẫu thuật khó như phẫu thuật u xơ buồng trứng, mổ ruột thừa, mổ nối gân, cắt lách, dạ dày... Công tác khám cận lâm sàng cũng được nâng cao, một số kỹ thuật siêu âm 3D, siêu âm chức năng gan, thận cũng đã được thực hiện.

Chị Rơ Blăng (huyện Kông Chro, Gia Lai) bị đau ruột thừa cấp, đã được phẫu thuật kịp thời, xúc động kể: Tôi thấy cái bụng đau, cứ nghĩ uống mấy cái lá ở rừng là khỏi. Nhưng càng uống càng đau, đến lúc đau không chịu nổi, sợ quá thì mới đi viện, may mà bác sĩ đã cứu sống. Lần này thì sợ rồi, có bệnh thì phải đến bệnh viện ngay thôi, không được ăn uống lung tung. Ông Ia Lung (huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết: Trước đây, mỗi lần có người trong nhà ốm đau, thì chúng tôi cúng Giàng, nhưng cúng mãi không hết cái bệnh. Nay có bác sĩ chữa giỏi nên cứ ốm là đến bệnh viện chứ không cúng nữa. Biết ơn các bác sĩ nhiều lắm....

Theo bác sĩ Nguyễn Ðình Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Gia Lai, đã có bước tiến về cơ sở vật chất, về y đức. Chúng tôi đã chỉ đạo các bác sĩ, y sĩ, cán bộ, nhân viên trong bệnh viện, phải thực hiện và làm theo lời Bác Hồ dạy lương y như từ mẫu và cố gắng học hỏi tiếp cận, sử dụng tốt những trang, thiết bị y tế hiện đại. Chúng tôi đã chuyển giao được nhiều công nghệ mới, hướng dẫn sử dụng thiết bị máy móc hiện đại, kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh, mổ nội soi, sản khoa,...

Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hạnh, Phó Trưởng khoa mắt Bệnh viện Ða khoa tỉnh Gia Lai, là một trong những bác sĩ tăng cường cho tuyến huyện, cho biết, nơi chị đến là huyện Ðác Ðoa, nơi cư trú chủ yếu của người dân tộc Gia Rai và Ba Na. Trạm trưởng là người dân tộc thiểu số, nhiệt tình và năng nổ. Ðây là một trong những điều rất thuận lợi từ việc khám, điều trị đến việc tiếp xúc tư vấn cho người dân tộc. Qua ba tháng làm việc tại TYT, chị rút ra được rất nhiều kinh nghiệm trong việc khám, điều trị chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chị cho rằng, nếu như có bác sĩ đa khoa về tuyến huyện, tuyến xã thì sẽ tốt hơn, vì họ sẽ giúp cho người dân được nhiều hơn, còn những bác sĩ chuyên khoa nên đi theo những đợt khám chuyên sâu...

Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến tỉnh về hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện và từ bệnh viện huyện về các trạm y tế xã đã góp phần điều tiết và giảm bớt tình trạng chênh lệch trình độ chuyên môn giữa tuyến tỉnh, tuyến huyện, đặc biệt là y tế xã; giảm tình trạng quá tải tại bệnh viện tỉnh. Ðồng thời, người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao tại chỗ, đặc biệt là người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tỷ lệ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đã tăng khoảng 50%. Cùng với những mặt đã làm được, việc triển khai thực hiện Ðề án 1816 tại tỉnh Gia Lai còn gặp khó khăn về nhân sự do lực lượng cán bộ chuyên môn kỹ thuật rất thiếu. Ðiều này làm cho việc luân phiên bác sĩ từ tỉnh về huyện, từ tuyến huyện về xã sẽ dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ làm việc tại bệnh viện nơi cử cán bộ đi luân phiên.

Ba mục tiêu của Ðề án 1816: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; Chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới. Ðây là khó khăn và cũng là thách thức rất lớn đối với ngành Y tế tỉnh Gia Lai. Ðể giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Sở Y tế đã đề nghị cấp trên tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, đồng thời có chính sách đào tạo theo địa chỉ, đào tạo cử tuyển; có chính sách cho mạng lưới y tế thôn, bản... nhằm tăng cường nguồn nhân lực y tế cho các huyện, xã để khắc phục những bất cập hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Bác sĩ Đặng Đức Châu

Bài và ảnh: Hoài Thu - Hồng Hạnh (Nguồn: Báo Nhân dân)