Văn hóa cồng chiêng Kon Tum - sự độc đáo và đa dạng về các giá trị phi vật thể

03:32 AM 29/09/2010 |   Lượt xem: 4871 |   In bài viết | 

Ở Kon Tum, cùng với đàn T'rưng, Klông Pút, Đinh Túk, cồng chiêng là nhạc cụ đặc trưng nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Ngoài vai trò là phương tiện diễn tấu dân gian, cồng chiêng còn thể hiện quyền uy, sự giàu sang của gia đình, dòng tộc, bản làng, là vật thiêng trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Cồng chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum khá đa dạng, phong phú. Đặc điểm chung, nổi bật của dàn cồng chiêng là sự kết hợp linh hoạt những âm thanh cao, thấp, tạo nên sự phối bè khác nhau. Kết hợp với cồng chiêng còn có cả trống, lục lạc... tạo nên sự hoà âm phong phú. Quyện hoà trong tiết tấu, giai điệu của cồng chiêng là những âm thanh nghe như giai điệu của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; lấp lánh sắc màu của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có bộ thì âm điệu trầm hùng, đĩnh đạc như là một sự giới thiệu về đại ngàn Kon Tum hùng vĩ, có bộ thì âm điệu lại réo rắt, nỉ non với những giai điệu, tiết tấu hòa quyện như những lời tự sự kể về những truyền thuyết, những câu chuyện về những dòng sông, con suối, cánh rừng, mùa màng, về đất và người Kon Tum…hết sức trữ tình bằng ngôn ngữ âm thanh vô cùng độc đáo, chỉ riêng có ở nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng.

 

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum, từ xưa cồng chiêng đã được coi là của cải, bởi bao giờ cồng chiêng cũng thể hiện giá trị ở một số thứ tài sản quý, một loại của cải vật chất mà từ nó có thể phân biệt được sự giàu nghèo, trước đây gia đình nào cũng mơ ước có được một bộ cồng chiêng. Tuy nhiên, điều quan trọng ở chỗ đấy là bộ chiêng gì. Bởi vì có loại chiêng chỉ ngang giá một vài con trâu (thời giá hiện nay khoảng vài ba triệu đồng) nhưng cũng có loại chiêng giá trị tới 30-40 con trâu một bộ. Có nhiều chiêng quý là giàu có, là sức mạnh, được người khác kính trọng. Dòng họ nào, làng nào có nhiều cồng chiêng sẽ được các dòng họ khác, làng khác nể nang, tôn trọng. 

Cồng chiêng được giới nghiên cứu xem là một nhạc khí dân gian bởi độ vang, cao thấp, khả năng diễn tấu của nghệ nhân, nghệ thuật tạo âm sắc của nó. Cấu tạo thang âm, điệu thức một bộ chiêng có nhiều điểm khác nhau. Có bộ chỉ gồm  2 chiếc cho đến bộ đầy đủ lên tới 15 hoặc 18 chiếc. Ở những bộ chiêng như thế có cồng là loại có núm thường giữ chức năng đệm và chiêng là loại không có núm, còn gọi là chiêng bằng thể hiện bài bản, giai điệu. Cồng chiêng gắn liền với lễ hội mà lễ hội dân gian của các dân tộc bản địa ở Kon Tum khá dày, diễn ra quanh năm với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy, chu kỳ một đời người và những sự việc liên quan tới cộng đồng (plei). Cồng chiêng có khả năng trình diễn độc lập, nhưng cũng có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác, kể cả giọng hát của con người. Nếu lễ hội dân gian quy tụ được rất nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, trong đó có cồng chiêng thì khi cồng chiêng lên tiếng sẽ thu hút sinh hoạt của nhiều người nhất, nghệ thuật diễn tấu của cồng chiêng cũng chiếm thời lượng nhiều nhất trong lễ hội. Hầu như tất cả các lễ hội dân gian đều có mặt cồng chiêng dù ở quy mô nhỏ như gia đình hoặc lớn hơn là của cả cộng đồng.

Ngoài ra, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cồng chiêng còn được xem là vật thiêng gắn với đời sống tâm linh của họ. Với tín ngưỡng dân gian đa thần, vạn vật hữu linh nên những bộ chiêng thiêng đều có Yàng (trời) trú ngụ (được gọi là chiêng lễ), chỉ được đưa ra sử dụng trong phần lễ của những lễ hội lớn, long trọng. Ở phần hội hoặc sinh hoạt thường ngày, họ sử dụng các loại chiêng thường (còn gọi là chiêng hội). Những loại chiêng thiêng ở Kon Tum có thể kể tới Lào viêng (nhóm Hà Lăng), Xteng (Xơ đăng gốc), Kh’leng và Xum (nhóm Giẻ), Pom, pát (Giarai Aráp), Buar( Xơ Đăng Sơ đrá), Tha (B'Râu)...Cồng chiêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum. Với con người, từ lễ thổi tai của trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả; với cây lúa, từ lễ bói điềm, chọn đất đến thu hoạch, đóng cửa kho; với cộng đồng, từ lễ tu sửa máng nước đến mừng Nhà Rông mới... bất cứ lễ hội nào cũng không thể vắng bóng cồng chiêng, ứng với mỗi hoàn cảnh ấy là một bài chiêng khác nhau, và ngay trong lễ hội, các bài chiêng cũng đánh theo tiết tấu, nhịp điệu khác nhau, tuỳ theo không khí chung của lễ hội. 

Về số lượng của từng bộ chiêng, theo kết quả nghiên cứu khá kỹ của các chuyên viên nghiên cứu ngành văn hóa tỉnh cho thấy ở Kon Tum có những điểm khá đặc biệt và rất lạ so với các tỉnh khác trong khu vực, có đủ thứ tự từ ít đến nhiều như là có sự sắp đặt, đó là có loại chiêng chỉ có 1 chiếc như chiêng Buar của nhóm Xơ đăng Sơđrá. Có 2 chiếc như chiêng Tha của dân tộc B'Râu. Có 3 chiếc như chiêng Lào, Pom, Pát của nhóm Xơ đăng Hà Lăng. Có 3 chiếc rưỡi (thêm một ống nứa) như chiêng Nỉ của nhóm Triêng, chiêng Kh’leng của nhóm Giẻ. Có 4 chiếc như chiêng Mẻ, Vạch của nhóm Xơ đăng Mơ nâm, chiêng Guông của nhóm Xơ đăng Sơđrá.  Có 5, 6 chiếc như chiêng Xum của nhóm Giẻ.  Có từ 7-9 chiếc như chiêng X'teng (Pơm Poa) của người Xơ đăng gốc.  Có từ 12-18 chiếc rất hoành tráng như chiêng Ania, Pơsơi của người Gia Rai Aráp...có thể nói rất đa dạng, phong phú và độc đáo, đồng thời cũng là niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số Kon Tum. 

Theo số liệu thống kê cấp tỉnh năm 2007 thì Kon Tum hiện còn khoảng 1.776 bộ cồng chiêng của các dân tộc thiểu số bản địa. Theo tập quán của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum thì đa phần chỉ có đàn ông mới được đánh cồng chiêng, còn phụ nữ thì tham gia thể hiện nghệ thuật múa Xoang (dân vũ), song có những nhánh của dân tộc Xơ Đăng như Xơ Đăng Mơ Nâm ở huyện KonPLông thì phụ nữ cũng được đánh chiêng. Hiện nay Kon Tum có khoảng 300 đội cồng chiêng ở các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số. Có đội chỉ sử dụng một bộ chiêng trong làng (như đội chiêng Tha của dân tộc B'Râu), có đội sử dụng 2-3 bộ chiêng khác nhau trong một làng ( như các đội sử dụng các bộ chiêng có tên : Xteng, Hleng của người Xơ Đăng X'teng; Ania, PơSơi, Goong của người Gia Rai; Nỉ, Kh’leng, Xum của người Giẻ Triêng…); có đội chiêng chỉ có 2 người như đội chiêng Tha (dân tộc B'Râu), có đội đông tới 21 người như đội chiêng Ania với 18 lá cồng, chiêng kèm theo lục lạc, trống (người Gia Rai A Rap)...Điều đáng mừng là trong số nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng hiện nay, có đến 1/3 đang ở độ tuổi thanh niên và có không ít những thiếu niên tuổi 13, 14. Đấy chính là sức sống và sự trường tồn của văn hóa cồng chiêng, một khi được tạo lập đầy đủ môi trường, điều kiện phát huy. Thực tiễn sôi động trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng những năm vừa qua cho thấy đã có sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số và sức hút rất đặc biệt của văn hóa cồng chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Hiện đang xuất hiện khá nhiều “lớp” truyền dạy đánh cồng chiêng bằng nhiều hình thức từ những người lớn tuổi cho lứa thanh thiếu nhi trong các làng, bản. 

Tuy nhiên, cũng đã nảy sinh những vấn đề cần phải quan tâm từ thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Đó là sự phát triển chưa có tính bền vững, còn mang tính hình thức và chạy theo phong trào. Cồng chiêng chưa thật sự được trả về với cái nôi đích thực của nó trong sinh hoạt văn hóa dân gian, gắn với ba điều kiện cơ bản bao gồm : Tính cộng đồng, cộng cảm; sự gắn kết với thiên nhiên, với kết cấu vật chất văn hóa cư trú làng-nhà Rông-nhà sàn; Lễ thức, nghi lễ truyền thống. Tách rời ba điều kiện ấy, văn hóa cồng chiêng chưa phải là chính nó !. Bởi thế, UNESCO mới công nhận là Di sản thế giới bao hàm cả Không gian văn hóa dân gian. Tình trạng văn hóa cồng chiêng được sân khấu hóa, môi trường diễn xướng nặng về trình diễn, quảng bá đang xuất hiện ngày một nhiều. Ở một góc độ nào đấy có thiên hướng lệch về mục đích, trở thành một nghệ thuật biểu diễn sân khấu, có đạo diễn, dàn dựng một cách áp đặt...bởi vậy hầu hết những bài chiêng được thể hiện ở những góc độ này chỉ là những bài chiêng bình thường, đơn giản mà đồng bào thường gọi là những bài chiêng “hội” ( phục vụ sinh hoạt văn hóa đơn thuần mang tính vui chơi ). Còn những bài chiêng nghi lễ với những bài bản nghiêm ngặt, được coi là quan trọng nhất gắn với yếu tố “thiêng” trong tâm linh của đồng bào, là những bài bản chiêng cổ truyền, thể hiện bản sắc truyền thống của từng dân tộc, được quan niệm là phần “hồn” của cồng chiêng, thường được diễn tấu trong các nghi lễ, lễ thức dân gian, lễ hội cổ truyền mà đồng bào gọi là chiêng “lễ” thì hầu như ít được đồng bào sử dụng trong những sân khấu biểu diễn như vừa qua. Yếu tố “thiêng” của cồng chiêng với vai trò là phương tiện để giao tiếp với thần linh theo tín ngưỡng đa thần trong đời sống tâm linh của đồng bào đang dần dần bị bình thường hóa đi phần nào. Thực tiễn cho thấy đang có nguy cơ mất dần các bài chiêng cổ cực kỳ giá trị - như đánh giá của nhiều nhà khoa học - mất dần nghệ thuật diễn tấu, hòa âm đúng bài bản, bởi lớp người lớn tuổi đang dần dần qua đời mà không trao truyền lại được ! Nếu chỉ còn những bài bản chiêng “hội” mà không còn những bài bản chiêng “lễ”, những bài bản chiêng cổ truyền thì văn hóa cồng chiêng sẽ trở nên thiếu vắng linh hồn, thực sự báo động về việc những giá trị phi vật thể của cồng chiêng sẽ có nguy cơ mai một, trong khi đó nội dung chính được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại lại chính là phần phi vật thể, là những bài bản chiêng cổ truyền, là tiết tấu, giai điệu, thang âm, điệu thức, nghệ thuật diễn tấu, phương pháp truyền khẩu...đấy chính là phần hồn của văn hóa cồng chiêng.  

Bởi vậy, nên phải có cái nhìn sâu sắc hơn nữa về Không gian văn hóa Cồng chiêng từ phía các nhà quản lý văn hóa các cấp, để có những định hướng đúng đắn, những cách làm, bước đi phù hợp và thiết thực cho mục tiêu bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng. Vấn đề mấu chốt là phải làm cho văn hóa cồng chiêng thực sự mang tính cộng đồng, gắn kết với tự nhiên, với kết cấu văn hóa làng và các lễ thức, nghi lễ truyền thống trong không gian văn hóa dân gian của đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Không chỉ chú trọng quá nhiều vào phần vật chất của cồng chiêng, mà cần phải đặc biệt coi trọng phần phi vật thể (phần hồn) của văn hóa cồng chiêng. Nếu đánh mất đi nội dung quan trọng này thì phần vật chất của cồng chiêng cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Cần phải lắng nghe ý kiến của đồng bào xem họ nói như thế nào về cách thức bảo tồn và phát huy. Bởi đồng bào mới là chủ nhân Không gian văn hóa Cồng chiêng, chỉ có chính họ mới bảo tồn sống được văn hóa cồng chiêng để phát huy giá trị trong đời sống và trường tồn với thời gian. 

Bài: Trần Vinh (Nguôn: kontum.gov.vn) [TT: H.T.N]