Xóm Mời Mít, Xã Yên Mông: Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc giữa lòng thành phố

04:26 AM 01/10/2010 |   Lượt xem: 3052 |   In bài viết | 
Hoà chung vào sự phát triển của thành phố, Mời Mít đã nỗ lực đạt được những bước tiến vượt bậc trên lĩnh vực kinh tế. Bình quân thu nhập đầu người của xóm tăng từ hơn 6 triệu đồng/người/năm (năm 2005) lên 10,3 triệu đồng/người/năm (năm 2009). Cả xóm có 105 hộ với 457 khẩu nhưng không còn hộ nghèo, đã có 5 hộ vươn lên đạt hộ giàu. Đời sống kinh tế được nâng lên là điều kiện thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư diễn ra sôi nổi. Năm 2003, xóm Mời Mít được đón nhận danh hiệu “Làng văn hoá cấp tỉnh”, đó vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm để xóm tiếp tục củng cố và giữ gìn những nét đẹp văn hoá nói chung, văn hoá truyền thống dân tộc Mường nói riêng.

 

Có lẽ hiện nay, khó có thể tìm thấy nơi nào trên địa bàn thành phố Hoà Bình mà những nét đẹp văn hoá dân tộc Mường còn được giữ lại tương đối đầy đủ trong đời sống người dân như ở Mời Mít. Mời Mít không còn nhiều nhà sàn nhưng những ngôi nhà được giữ lại chủ yếu là nhà sàn cổ, với kiểu dáng, chi tiết, hoa văn truyền thống. Nhà sàn cổ đứng vững vàng cạnh nhà xây hiện đại như một sự khẳng định chắc chắn về việc tồn tại những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Trong mỗi nếp nhà sàn, văn hoá Mường vẫn còn đậm đà từ ẩm thực, phong tục cho đến trang phục, văn nghệ của người dân.

 

Văn hoá ẩm thực đang được bà con bảo tồn và khôi phục lại từ những món ăn truyền thống như xôi đồ, cá nướng, rau rừng đồ, thịt gà nấu măng chua… Mỗi gia đình đều sắm lại một bộ viếng, cuốp đồ xôi làm từ thân cây gỗ để phục vụ cho việc nấu ăn chứ không dùng những bộ nồi đồ bằng nhôm hiện đại. Ngoài ra, một số phong tục truyền thống trong nghi lễ cưới xin cũng được bà con nơi đây lưu giữ cho đến tận hôm nay. Trong đồ lễ đi dạm “phát đường phát lối” của nhà trai đến nhà gái thì nhất thiết phải có 12 chiếc bánh ốc không nhân, lễ vật ngày ăn hỏi thì phải có 24 chiếc bánh tròn không nhân. Những chiếc bánh không nhân được nhà trai chọn nguyên liệu từ con ruộng tốt nhất, nhờ người khéo tay nhất trong họ gói để nhà trai làm lễ vật với ý nghĩa tôn trọng gia đình nhà gái và sự trinh trắng của cô dâu. Lễ vật xin dâu trong lễ cưới thì không thể thiếu đôi gà đẹp nhất chuồng có lông màu vàng hoặc màu đỏ.    

 

Chia sẻ với chúng tôi về những nét văn hoá Mường mà Mời Mít còn giữ lại, anh Nguyễn Văn Tý, trưởng xóm cho biết: “Vốn quí nhất của Mời Mít là có các ông, các bà cao tuổi am hiểu và say mê văn hoá Mường. Đội văn nghệ của Hội người cao tuổi thường xuyên biểu diễn các tiết mục như hát ví giao duyên, dân ca Mường… đã truyền sự yêu thích cho giới trẻ. Với phương châm “sống có ích”, các cụ là những người đi đầu trong việc bảo tồn văn hoá Mường”. Hiện nay, các cụ khoảng từ 60 tuổi trở lên thì vẫn giữ váy Mường, áo cóm là trang phục hàng ngày. Còn chị em phụ nữ thì ai cùng sắm cho mình một bộ váy áo truyền thống với đầy đủ thắt lưng xanh, xà tích bạc thật đẹp để mặc trong các dịp lễ tết trọng đại. Mỗi khi làng có đám cưới, ngày hội, váy Mường lại “lên ngôi” trở thành “lễ phục” duy nhất của làng. Khi đó bức tranh cực thịnh của bản Mường năm xưa như được vẽ lại sống động bởi nhịp cồng chiêng trầm hùng giữa sóng sánh váy áo và dặt dìu câu hát ví.

 

Chia tay chúng tôi nơi chân cầu thang nhà sàn, bác Bùi Văn Miền - một nghệ nhân cao tuổi nổi tiếng của làng nhắn nhủ: “Văn hoá biểu hiện giản đơn từ cái ăn, cái mặc, lễ giáo mỗi gia đình. Giữ văn hoá của cả một dân tộc bắt đầu là giữ lối sống đẹp trong từng nếp nhà. Mời Mít sẽ chẳng còn giữ được văn hoá Mường truyền thống như ngày hôm nay nếu mỗi người dân không yêu, không tự hào và ý thức về trách nhiệm bảo tồn của mình.”

Theo Dương Liễu (Nguồn: Báo Điện tử Hòa Bình)