Mở rộng các trường, lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông
02:26 AM 01/10/2010 | Lượt xem: 3673 In bài viết |Dạy tiếng dân tộc thiểu số (TDTTS) trong trường học không chỉ trang bị cho học sinh năng lực về tiếng mẹ đẻ mà còn hỗ trợ học sinh tiếp thu kiến thức, cố gắng học tập, tích cực đến trường và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng vùng dân tộc thiểu số ổn định và phát triển. Ðiều đó đòi hỏi trong giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) cần có những giải pháp thích hợp trong dạy và học TDTTS.
Theo Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD và ÐT) Mông Ký Slay: Dạy TDTTS trong trường học giúp vốn từ ngữ học sinh được nâng lên, các em tự tin và học chuyên cần. Thông qua học tiếng dân tộc mình, học sinh hình thành và phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thành thạo, góp phần rèn luyện tư duy và học tốt môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác, mở rộng những hiểu biết về con người, cuộc sống, văn hóa dân tộc... Quá trình dạy TDTTS trong các trường học có học sinh dân tộc thiểu số được triển khai từ năm 1960. Ðến năm học 2009 - 2010, quy mô dạy TDTTS có nhiều chuyển biến tích cực từ công tác triển khai trong trường học đến nhận thức của người dân các dân tộc thiểu số trong cả nước. Trong đó, tiếng Khmer được các địa phương tổ chức giảng dạy nhiều nhất gồm mười tỉnh với gần 69 nghìn học sinh. Nhiều hoạt động nâng cao chất lượng dạy và học TDTTS được các địa phương triển khai, nhất là đội ngũ giáo viên được chú trọng. Cả nước có 1.493 giáo viên dạy TDTTS cho học sinh phổ thông, trong đó có 777 giáo viên chuyên trách và 699 giáo viên kiêm nhiệm. Ðáng chú ý, trong số giáo viên dạy TDTTS có 1.397 giáo viên là người bản ngữ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số. Ðặc biệt, tại khu vực Tây Nam Bộ, các nhà sư còn tự nguyện dạy tiếng Khmer vào dịp hè cho hàng chục nghìn học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy tiếng Khmer trong trường phổ thông. Chủ đề trong dạy TDTTS cũng khá phong phú, đa dạng, gần gũi đời sống, phong tục tập quán của đồng bào: gia đình, dòng tộc; làng bản, phum sóc; thiên nhiên, môi trường; văn hóa dân tộc, khoa học giáo dục; chăm sóc sức khỏe... Các cơ sở giáo dục có nhiều giáo viên dạy TDTTS đã thành lập tổ chuyên môn hoạt động đa dạng như dự giờ, thảo luận, làm đồ dùng học tập, sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ... giúp nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhiều địa phương triển khai dạy học TDTTS cho học sinh hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học phổ thông. Ðiển hình như ngành GD và ÐT Sóc Trăng thực hiện dạy tiếng Khmer cho gần 38 nghìn học sinh với 1.636 lớp ở 160 trường học các cấp. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Sóc Trăng Kim Sơn: Trong nhiều năm học gần đây học sinh dân tộc Khmer trong tỉnh được học tiếng của dân tộc mình liên tục từ cấp tiểu học đến THPT. Việc dạy tiếng Khmer đã khích lệ tinh thần học tập của học sinh, nhất là đối với học sinh còn yếu tiếng phổ thông hoặc năng lực học tập các môn thuộc khối xã hội còn hạn chế. Tại tỉnh Ðác Lắc, theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Nguyễn Ái Hồng Vân: Ngay khi triển khai công tác dạy tiếng Ê Ðê trên địa bàn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh và phụ huynh. Giáo viên dạy tiếng Ê Ðê có sự gắn bó với người bản địa, đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả dạy tiếng dân tộc trong trường học. Trong tổng số hơn 11,5 nghìn học sinh học tiếng Ê Ðê, số lượng học sinh khá, giỏi luôn chiếm tỷ lệ cao. Việc dạy tiếng Ê Ðê được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người, cơ sở vật chất trường học các vùng DTTS ngày càng khang trang, bảo đảm đủ phòng học cho học sinh học môn tiếng Ê Ðê, sách giáo khoa và vở học tập được cấp phát cho học sinh đầy đủ, kịp thời.
Có thể nói, dạy TDTTS trong trường phổ thông đang ngày càng phát huy hiệu quả cả trong và ngoài nhà trường ở nhiều địa phương với nhiều thứ tiếng khác nhau, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của học sinh và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trong cả nước. Tuy nhiên, dạy TDTTS trong trường phổ thông hiện nay vẫn còn không ít bất cập. Thực tế trên cả nước số học sinh được học TDTTS mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng số học sinh người dân tộc thiểu số. Việc thực hiện chương trình sách giáo khoa còn nhiều lúng túng, bị động. Ðặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý chuyên môn ít, nhất là đội ngũ giáo viên dạy TDTTS dù số lượng và chất lượng có nhiều chuyển biến nhưng phần lớn chưa đạt chuẩn đào tạo về chuyên môn TDTTS. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Cà Mau, Lâm Văn Xia cho biết: Cái khó lớn nhất là chưa có giáo viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hay đại học về TDTTS mà chủ yếu là giáo viên người DTTS được bồi dưỡng thêm chuyên môn nghiệp vụ dạy TDTTS. Thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên dạy TDTTS chiếm số lượng ít, chưa đáp ứng được nhu cầu giữ ổn định chứ chưa nói đến việc mở rộng quy mô trường, lớp. Mặt khác, hệ thống sách giáo khoa, sách giáo viên và một số tài liệu hỗ trợ, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy TDTTS còn thiếu, chủ yếu là do đội ngũ giáo viên giảng dạy tự làm.
Dạy TDTTS được quy định là môn học thực hiện theo hình thức tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Vì vậy, để dạy học TDTTS thật sự đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, ngành GD và ÐT cần nhân rộng các trường, lớp có dạy TDTTS. Xây dựng chương trình và bộ sách giáo khoa chuẩn cho trường học vì các bộ sách hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh, thường xuyên có sự thay đổi. Ngành GD và ÐT cần ban hành quy chế chuyên môn về dạy TDTTS trong nhà trường phổ thông. Việc dạy TDTTS cần được liên thông, liên tục như chương trình của một môn học khác. Xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng giáo viên chuyên trách, đồng thời mở rộng diện cử tuyển cho con em đồng bào DTTS ở ngoài vùng 135 để từng bước xây dựng nguồn cán bộ nòng cốt trong công tác chuyên môn và giảng dạy TDTTS. Các môn TDTTS là môn học tự chọn, vì vậy cần có những quy định về biên chế lực lượng giáo viên dạy chuyên trách. Có chính sách ưu đãi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ðặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng các khoa, mã ngành đào tạo giáo viên dạy TDTTS hoặc bổ sung nội dung vào chương trình hiện có của sinh viên ra trường được phân công về dạy vùng DTTS, tránh tình trạng chắp vá, không được đào tạo bài bản như hiện nay...
Bài và ảnh: Xuân Kỳ
... Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác... (Luật Giáo dục 2005) Năm học 2009-2010 cả nước có bảy tiếng dân tộc thiểu số gồm: Chăm, Khmer, Ê Ðê, Ba Na, Gia Rai, Mông, Hoa được dạy trong 740 trường phổ thông của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 111 nghìn học sinh phổ thông các cấp được theo học. (Bộ GD và ÐT) |
(Nguồn: Báo Biên phòng)