An Na Hnhem - Người bác sĩ tận tâm với nghề

03:49 AM 01/10/2010 |   Lượt xem: 3187 |   In bài viết | 

Như thường thấy ở các Trung tâm y tế tuyến tỉnh, một ngày ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum được bắt đầu bằng không khí làm việc tất bật của các y bác sĩ. Sự tất bật này một phần do đặc thù công việc mà dân gian vẫn hay gọi bằng ngôn ngữ đơn giản là cứu người, một phần khác là do những điều kiện chung về cơ sở vật chất, nhân lực của ngành y tế vẫn còn khó khăn. Tuy thế, những người thầy thuốc nơi đây vẫn ngày ngày lặng lẽ dốc hết sức mình cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân. Vào ngành y gần 20 năm và cũng thời gian ấy chị An Na Hnhem gắn bó với Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cho đến nay chị không còn nhớ đã chăm sóc cho bao nhiêu bệnh nhân, chỉ biết rằng ngày ngày chị vẫn miệt mài cùng các đồng nghiệp của mình thầm lặng chăm sóc người bệnh bằng những cử chỉ ân cần, bằng những lời động viên an ủi giúp bệnh nhân vượt qua những cơn đau và sự thiếu thốn về vật chất. Chỉ chừng ấy việc thôi tưởng như đơn giản nhưng cần cả một tấm lòng tận tụy. Chị cho biết: "Nghề y là nghề đặc biệt đòi hỏi mình phải đặt y đức lên đầu tiên, mình chăm sóc, phục vụ bệnh nhân hết mình, vui buồn cùng bệnh nhân, mình điều trị và chăm sóc họ đến khi khỏi bệnh, mình vui chẳng khác gì người nhà của họ". 

Từ cuối năm 2008, ngoài vai trò là Trưởng Khoa Dinh dưỡng, chị được cử phụ trách bếp ăn từ thiện, mỗi ngày phục vụ 50 suất cho các đối tượng là những người nghèo vào viện điều trị không nơi nương tựa, từ xa đến, đi vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ hỗ trợ cơ sở vật chất cho bếp ăn. Áp lực công việc và cường độ lao động cao, nhưng chưa lúc nào chị đắn đo trước những yêu cầu của người bệnh. Chị Y Khiết, người nhà bệnh nhân ở huyện Đăk GLei nói: "Khi đến đây điều trị, ngoài việc được các y, bác sĩ thăm, khám và điều trị, chúng tôi còn được chăm sóc rất chu đáo từ bữa cơm, giấc ngủ, ngày nào bác sĩ An Na Hnhem cũng tới hỏi thăm và động viên". 

Khi nói về chị, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Phạm Bá Đà, Phó Giám đốc bệnh viện, cũng là đồng nghiệp đồng hành với chị trong suốt trong những năm qua, nhận xét: "Bác sĩ An Na Hnhem là một người nhiệt tình trong công tác, luôn say mê học hỏi và yêu thương tận tình với bệnh nhân, vui vẻ hòa nhã với mọi người, nhất là có trách nhiệm với công việc, với bản thân và gia đình". 

Còn chị thì tâm sự: "Với 20 năm gắn bó với bệnh viện, niềm vui lớn nhất của tôi không phải là những bằng khen, giấy khen mà là sự tin yêu, tin tưởng của mọi người, nhất là với những người bệnh. Mỗi ngày nhìn ánh mắt vui sướng của những bệnh nhân khi thấy mình hết bệnh, tôi thấy thật hạnh phúc. Có những lúc tưởng chừng như kiệt sức, mỏi mệt về công việc, về những áp lực xung quanh nhưng với sự động viên của gia đình, đồng nghiệp và nhất là khi nghĩ đến những người bệnh đang cần đến mình thì tôi không thể nản lòng chùn bước". 

Quả thực như vậy, câu chuyện giữa chị và chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng do chị phải điều hành công tác chuyên môn của Khoa, trả lời điện thoại và tiếp các nhà hảo tâm đến tài trợ cơ sở vật chất cho bếp ăn. Chị Võ Thị Lệ Thu, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum hỗ trợ bếp ăn 100 kg gạo nói: "Để bếp ăn từ thiện của bệnh viện hoạt động đều đặn và xuyên suốt, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con trong phường đóng góp nhiều hơn nữa" và đó cũng là điều mà bác sĩ An Na Hnhem trăn trở bấy lâu khi bếp ăn mới chỉ được Sở Y tế tỉnh, Hiệp hội Nhựa TP. Hồ Chí Minh và một số tổ chức và cá nhân trong tỉnh đầu tư, hỗ trợ gần 200 triệu đồng, cơ sở vật chất ban đầu còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là làm sao để duy trì đều đặn, lâu dài và có hiệu quả mô hình bếp ăn từ thiện để phục vụ bệnh nhân cơ nhỡ và người nhà bệnh nhân nghèo đến điều trị, chị nói: "Điều mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho bếp ăn về cơ sở vật chất, để chúng tôi có điều kiện nâng cao chất lượng cũng như số lượng khẩu phần ăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo". 

Không chỉ trực tiếp phụ trách bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo không nơi nương tựa, chị còn truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ trẻ mới vào nghề được phân công về Khoa hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời chị luôn nhắc nhở họ phải thường xuyên trau dồi y đức để nhanh chóng đưa bệnh nhân trở về với cuộc sống hằng ngày. Theo chị, thầy thuốc giỏi, phải giỏi chuyên môn và có y đức, đây là hai yếu tố không thể thiếu được của một người thầy thuốc. 

Khi đề cập đến vai trò của "Người đại biểu nhân dân", chị cho biết: "Để làm tốt nhiệm vụ này thật không dễ gì khi công việc chuyên môn đã chiếm gần hết thời gian của mình, tuy nhiên nhờ biết sắp xếp thời gian khoa học, đồng thời trong thời gian qua lãnh đạo cơ quan cũng đã tạo điều kiện cao nhất để mình thực hiện vai trò trách nhiệm của “Người đại biểu nhân dân". Quả thật, qua tìm hiểu được biết trong suốt thời gian với trọng trách là đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII và khóa IX, chị An Na Hnhem là một trong những đại biểu hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ người đại biểu, tham gia đầy đủ và có chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh, các buổi tiếp xúc cử tri, tham gia giám sát tại các đơn vị ứng cử... 

Giản dị và khiêm nhường nhưng ở Bệnh viện đa khoa Kon Tum ai cũng biết đến chị - một người thầy thuốc mẫu mực về y đức, tận tâm với người bệnh. Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền chị được UBND tỉnh, Sở Y tế tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. 

Có thể nói hiện nay ngành y tế nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống cán bộ công nhân viên chức hẳn vẫn còn chật vật. Và ở đâu đó người ta vẫn nói nhiều về y đức của người thầy thuốc, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, vẫn còn có rất nhiều y, bác sĩ, đang ngày ngày lặng lẽ đem hết tâm và lực đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân với tấm lòng cao quí của người thầy thuốc mà không hề mưu cầu lợi ích cá nhân.

MINH TÚ Theo Sức khỏe và đời sống