Bước chuyển mình ở một huyện vùng cao

03:16 AM 12/10/2010 |   Lượt xem: 3303 |   In bài viết | 
Cùng với việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích cây trồng có năng suất cao, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đầu tư thuỷ lợi để nâng diện tích một vụ thành hai vụ; gắn với thực hiện chương trình “cánh đồng năng suất cao”; “ ba giảm ba tăng”, đến nay, huyện không chỉ đảm bảo lương thực mà còn hình thành nền sản xuất hàng hoá. Hằng năm, lượng ngô hạt bán ra thị trường đạt hơn 1.800 tấn; đậu tương là 1.500 tấn, 50 tấn cánh kiến. Công tác chăn nuôi được huyện chú trọng, tốc độ tăng trưởng   đều đạt từ 3-5 %/năm và đã trở thành hàng hóa bán ra thị trường mỗi năm trên 1.000 con trâu, bò, ngựa và trên 300 tấn thịt gia súc, gia cầm và thuỷ sản các loại. Đồng bào còn làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Do vậy độ che phủ của rừng tăng từ 23% năm 2000 lên 34,8% năm 2010. Huyện còn có những nương chè Shan tuyết mang hương vị của núi rừng Tây Bắc ở độ cao 1.500 mét nên đã đầu tư 4 xưởng chế biến chè để hằng năm có từ 5-7 tấn chè búp khô bán ra thị trường mang thương hiệu chè Shan tuyết Tủa Chùa được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang có sự đổi thay đáng kể. Đó là 100% xã, thị trấn có đường ô tô và trạm y tế, 95% thôn, bản có đường xe máy, 100% các xã phủ sóng điện thoại di động và sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 45%, 70% số dân được sử dụng nước sinh hoạt thường xuyên. Thật tự hào khi nét mặt của những cô gái người Thái, chàng trai người Mông nở nụ cười như “hoa đào khoe sắc” bởi ánh điện lung linh trên đỉnh núi cao chót vót. Nơi đó văn minh không chỉ đến với các cụ già mà cả những em nhỏ đã được xem truyền hình, được đi xe gắn máy mỗi khi xuống chợ phiên; được nói chuyện qua điện thoại với người thân mà có lẽ cách đây không lâu điều đó còn như một giấc mơ với người dân nơi đây. Rồi cái chữ của Đảng và Bác Hồ đã đến với đồng bào vùng cao, các em nhỏ được đến trường, được học chữ ở tất cả các cụm bản, được đi học từ bậc mầm non cho đến Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đến nay, huyện đã và đang giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và tập trung tiến hành phổ cập Trung học cơ sở. Hằng năm, có trên 50% học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trở về xây dựng quê hương. Điều đổi thay ở mảnh đất có dòng sông Đà quanh năm không ngừng chảy, đó là do huyện luôn quan tâm đến công tác y tế, nên nơi đây, tất cả các thôn bản đều có y tá, 100% xã có trạm y tế nên đã ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, không để lây lan, đảm bảo sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Mô hình y tá bản mà huyện tự tổ chức theo điều kiện thực tế vùng cao đã được Bộ Y tế nhân ra diện rộng trong cả nước.

Trong những năm qua, cùng với việc lồng ghép các chương trình, công tác thông tin-tuyên truyền của Đảng bộ huyện thực sự có những bước nhảy vọt. Bằng việc thực hiện mô hình 2 thứ tiếng Mông-Việt trên truyền hình đã giúp đồng bào được theo dõi các hoạt động diễn ra không chỉ trên địa bàn huyện mà còn của cả nước và trên thế giới… Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” được đẩy mạnh. Nhiều lễ hội đã được phục dựng, nhiều đội văn nghệ phát triền mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu thể hiện việc bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu như: người chết để lâu trong nhà, cưới xin không thách bạc trắng, không trồng cây thuốc phiện, không tuyên truyền đạo trái pháp luật, hạn chế di dịch cư tự do v.v… đã tạo nên nét mới trong đời sống kinh tế-xã hội. Từ đó đồng bào cũng thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nếu trước đây chỉ sản xuất để phục vụ bữa ăn hằng ngày mà vẫn không đủ ăn, vẫn còn tình trạng đói nghèo triền miên, thậm chí còn nhiều hộ đứt bữa. Nhưng từ khi có Đảng dẫn đường chỉ lối, những Nghị quyết, Quyết định hợp lòng dân đã tạo nên một cuộc đổi đời đối với đồng bào vùng cao. Gần đây nhất, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a và Quyết định 167 thì bộ mặt nông thôn miền núi đã đổi thay một cách sâu sắc. Huyện vui mừng báo công về thực hiện di chuyển dân của dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La đến nơi ở mới và nay cuộc sống dần ổn định.

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn được củng cố từng bước, đi liền với việc đổi mới phương thức, nội dung hoạt động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là Huyện đã hoàn thành xoá thôn, bản trắng về đảng viên và đang tiếp tục trong năm nay sẽ thành lập chi bộ ở tất cả các thôn bản và trường học.

Với bức tranh toàn cảnh như trên càng khẳng định bước trưởng thành, quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, không biết mệt mỏi của toàn Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong huyện. Sự giàu có và sức sống của một miền quê không chỉ được nhìn nhận, đánh giá bởi tiềm năng mà điều quan trọng và tiên quyết là phải biết cách thức khơi dậy, khai thác hiệu quả những tiềm năng ấy. Có thể khẳng định, Tủa Chùa cũng như các huyện vùng cao trong tỉnh Điện Biên đã đi lên từ điểm xuất phát thấp về kinh tế-xã hội. Khi bắt tay vào công cuộc đổi mới là cả quá trình toàn Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong huyện bằng chính nội lực, tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, luôn sát cánh bên nhau với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, kiên cường bám đất, bám rừng để xoá đói giảm nghèo đem lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân.

Giờ đây trong lòng mỗi người dân Tủa Chùa lại bừng dậy niềm tin yêu mới vào sự lãnh đạo của Đảng. Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục nuôi khát vọng hướng tới ngày mai tươi sáng hơn qua việc sẽ phấn đấu cùng Đảng bộ huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được đề ra trong từng thời kỳ.

Đào Hồng Lĩnh (Nguồn: Tạp chí Dân tộc - Số 117/2010)