Tân Phú chăm lo tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số

10:48 AM 03/11/2010 |   Lượt xem: 3169 |   In bài viết | 

Cho đến nay, hầu hết ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Phú đều có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp (chiếm 90% dân số) do vậy công tác khuyến nông đối với vùng đồng bào DTTS được xem là một nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Trong năm 2009, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đồng thời hỗ trợ giống, phân bón cho người dân sản xuất để ổn định cuộc sống. Nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho đồng bào đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Mặc dù có nhiều nghề truyền thống, nhưng sản xuất tiểu thủ công hầu như chưa phát triển. Trên địa bàn huyện chỉ có một số hộ dân ở ấp 4 xã Tà Lài còn giữ được nghề dệt thổ cẩm, tuy nhiên sản phẩm làm ra chưa phong phú, mới chủ yếu dừng lại ở việc phục vụ khách du lịch. Quan tâm bảo tồn làng nghề, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm để tạo thu nhập phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào. Hiện tại, lực lượng lao động qua đào tạo đã có tay nghề thành thạo. Hàng tháng, cơ sở  dệt thổ cẩm ở ấp 4, xã Tà Lài sản xuất được từ 20-25 đợt hàng với tổng số vốn từ 500-600m vải, tạo mức thu nhập cho các thành viên trong tổ trung bình từ 500-800 đồng/người/tháng.

Những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo nâng cao trình độ dân trí của đồng bào
DTTS luôn được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Toàn huyện có 72 cơ sở giáo dục phân bố đều ở các xã, trị trấn, phục vụ tốt nhu cầu học tập cho trẻ trong độ tuổi đến trường. Bên cạnh việc xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, huyện đã triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với con em đồng bào DTTS như: Cấp phát tập vở, hỗ trợ tiền ăn uống sinh hoạt và các nhu cầu cá nhân khác để tạo điều kiện cho các em học tập tốt. Toàn huyện đã thực hiện tốt công tác huy động trẻ dân tộc đến trường, vận động số trẻ bỏ học, lưu ban ra học các lớp hòa nhập và bổ túc văn hóa các cấp. Hiện ở trung tâm huyện có trường phổ thông dân tộc nội trú liên huyện dành cho học sinh DTTS 2 huyện Tân Phú và Định Quán. Năm học 2009-2010 trường đã tuyển mới được 73 em vào học.

Kinh tế ổn định đã tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được phát động rộng rãi và được đồng bào hưởng ứng tích cực, văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Trên địa bàn huyện có các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được tổ chức hằng năm như: như lễ hội ném còn của đồng bào dân tộc Tày (ngày 04 tết âm lịch), lễ hội đâm trâu (đầu tháng 6 dương lịch), lễ hội trả ơn được mùa của đồng bào dân tộc Châu Mạ… Hầu hết già làng, cộng tác viên cơ sở nòng cốt đều phát huy vai trò của mình, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từng bước hướng dẫn bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, hủ tục mê tín dị đoan, tiếp cận dần với khoa học kỹ thuật, nếp sống văn minh. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa một số bệnh được thực hiện tốt. Đồng bào
DTTS trên địa bàn huyện được khám và điều trị bệnh theo mạng lưới trạm xá xã và bệnh viện đa khoa huyện. Ở tất cả các ấp đều có cộng tác viên y tế. Hiện huyện có 1.604 đối tượng người DTTS được đề nghị BHXH cấp thẻ BHYT.

Đặc biệt huyện thực hiện có hiệu quả trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Số hộ nghèo ở các xã thuộc vùng định canh, định cư giảm đáng kể từ 4-5%/năm, đến nay không còn hộ đói kinh niên, cơ bản xóa được nhà tạm. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 85%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%, 100% địa bàn dân cư có đồng bào
DTTS sinh sống có đường giao thông thuận lợi. Đời sống của đồng bào DTTS được thay đổi cả về chất lẫn lượng, mặt bằng dân trí được nâng cao rõ rệt. Đó là kết quả của công tác định canh định cư, các chương trình dự án hỗ trợ cho đồng bào DTTS có tác động tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển toàn diện.

Nguồn: Báo Đồng Nai