Luật tục các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên nhận diện di sản lịch sử
03:26 AM 12/10/2010 | Lượt xem: 5503 In bài viết |Cho đến nay đã có không ít những thành tựu nghiên cứu, sưu tầm về luật tục dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích khá sâu sắc về khái niệm, về phương pháp nghiên cứu; về mối quan hệ giữa luật tục và luật pháp, về vai trò của luật tục trong đời sống của xã hội đương đại. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập một cách khái quát về luật tục các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên dưới góc nhìn lịch sử và những vấn đề đặt ra trong đời sống hiện nay.
1. Tây Nguyên là một khu vực lịch sử dân tộc học, là nơi cư trú của nhiều dân tộc (tộc người). Nếu không kể các tộc người di cư đến sinh sống sau này (kể cả người Kinh), Tây Nguyên là nơi cư trú của các tộc người thuộc hai nhóm ngôn ngữ là Môn-Khmer và Mã lai đa đảo, là chủ nhân khá lâu đời trên vùng đất này. Do đó, các sắc thái văn hoá ở Tây Nguyên khá đa dạng, phong phú nhưng lại khá thống nhất bởi những đặc trưng chung mà các nhà nghiên cứu quen gọi là sắc thái văn hoá Tây Nguyên và đôi khi cả Trường Sơn Tây Nguyên. Các sắc thái này còn gợi nhớ đến bóng dáng của nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng.
Khi nói đến khu vực lịch sử này, ngoài các sắc thái văn hoá vật thể khá đặc sắc, không thể không nhắc tới các sắc thái văn hoá phi vật thể, trong đó có phong tục và đặc biệt là luật tục. Hơn ở đâu hết, trên lãnh thổ Việt Nam, Luật tục các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên có sức sống mãnh liệt, không chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại, “thấm đẫm’’ trong cuộc sống buôn làng, là nền tảng chi phối cuộc sống của từng thành viên và của cả cộng đồng.
2. Ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm về luật tục ở Tây Nguyên nhằm phục vụ cho việc thống trị của họ tại xứ Đông Dương thuộc địa với phương châm sử dụng các thiết chế cổ truyền nhằm cai trị vừa gián tiếp, vừa hiệu quả. Nếu như với người Việt, người Pháp thực hiện cuộc cải lương hương chính thì ở các dân tộc thiểu số, khai thác luật tục trong việc thống trị đặc biệt được đề cao, gắn liền với việc thực hiện chính sách chia để trị, giữa người Việt và các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau. Việc âm mưu thành lập các xứ tự trị của các dân tộc thiểu số là bằng chứng cho âm mưu đó.
Khách quan mà nói mặc dù phục vụ trực tiếp cho việc thống trị, nhưng những sưu tầm, nghiên cứu của người Pháp đã giúp chúng ta nhận diện khá phong phú về luật tục của nhiều dân tộc thiểu số ở khu vực này như Ê đê, Xtiêng, Ba na, Xê Đăng, Gia rai, Mạ, Kơ ho... Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu, sưu tầm luật tục ở Tây Nguyên cũng đã được triển khai nhằm khai thác di sản văn hoá dân tộc, đồng thời nghiên cứu luật tục nhằm góp phần ứng dụng các giá trị văn hoá trong quản lý cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.
3. Trong kho tàng luật tục các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên có thể thấy, mặc dù cấu tạo của các bộ luật tục không giống nhau nhưng đều có những thông số chung. Đó là tính tổng hợp của các bộ luật tục. Về cơ bản, luật tục là sản phẩm của xã hội truyền thống và do đó nội dung của luật tục phản ánh đặc trưng của văn hoá truyền thống, trong đó tính tộc người được thể hiện khá rõ nét. Thêm nữa, luật tục từng tồn tại khá lâu dài, là sản phẩm của bản thân từng tộc người và trên một khía cạnh nhất định, nó còn mang tính địa phương và nhóm địa phương tộc người. Đây là một đặc trưng khá độc đáo của luật tục không thể không lưu ý khi chúng ta xem xét mối quan hệ giữa luật tục và luật nước, giữa sắc thái địa phương và sắc thái tộc người, nhất là khi đưa các yếu tố pháp luật hiện đại vào cuộc sống.
Khi nói đến luật tục không thể không nhắc đến mối quan hệ giữa luật tục với phong tục và luật pháp. Tuy nhiên ngoài những chức năng vốn có của nó, cần phải khẳng định rằng, luật tục là một trong những yếu tố rất cơ bản của văn hoá dân tộc. Sự ra đời của luật tục chính là sản phẩm của văn hoá dân tộc và ngược lại chính văn hoá dân tộc lại trở thành “bà đỡ” cho sự tồn tại và sức sống mãnh liệt của luật tục. Trong xã hội truyền thống, mỗi thành viên đều hành động theo luật tục: ăn theo luật tục, ngủ theo luật tục, làm theo luật tục. Chính vì vậy luật tục ăn sâu vào tiềm thức, trở thành tình cảm thiêng liêng của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, được mọi thành viên tự nguyện chấp hành, khác với ý thức pháp luật mà chúng ta đang xây dựng hiện nay bởi thiết chế vận hành của nó.
Cần phải khẳng định rằng, không thể hiểu được xã hội cổ truyền cũng như văn hoá của các tộc người, nếu không nghiên cứu luật tục. Luật lục hàm chứa trong đó hầu khắp các lĩnh vực của đời sống tộc người từ môi trường cảnh quan đến vấn đề sở hữu, từ tổ chức, thiết chế đến các quan hệ xã hội, từ hôn nhân gia đình đến tín ngưỡng dân gian, từ văn học nghệ thuật đến hệ thống lễ nghi, từ cá nhân đến cộng đồng, từ mối quan hệ giữa tộc người với bên ngoài.
Trong kho tàng luật tục, ngoài các yếu tố trái với luật pháp, có thể thấy một hệ giá trị văn hoá mà ta quen gọi là các yếu tố tích cực vẫn và đang phù hợp và phát huy tác dụng tích cực trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, trong luật tục cũng tồn tại một số yếu tố tuy không mang tính tích cực nhưng không phương hại đến sự phát triển cần được nhận diện và đánh giá một cách khách quan.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng luật tục là kho tàng tri thức dân gian phong phú. Đó là kho tàng tri thức được tích luỹ và đúc rút qua nhiều thế hệ trong quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội của tộc người qua qua trình lịch sử với không ít thách đố quyết liệt. Có thể kể ra đây một số hệ giá trị:
Đó là tri thức về bảo về nguồn tài nguyên và môi trường sống. Cụ thể ở đây là các tri thức về đất đai, về rừng (với tư cách vừa là tài nguyên thiên nhiên, vừa là môi trường sống và hơn thế là văn hoá tộc người).
Như chúng ta đã biết, đối với các cư dân bản địa Tây Nguyên, rừng là tất cả. Rừng là đất đai của tổ tiên, là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Theo quan niệm của cư dân Tây Nguyên, con người được sinh ra với rừng, chết đi lại trở về với rừng. Rừng là nơi trú ngụ của thần linh- biểu tượng thiêng liêng của mỗi con người và của mọi cộng đồng. Rừng là nguồn nuôi dưỡng nuôi sống cộng đồng, là nơi mang lại niềm tự hào và thiêng liêng của cộng đồng và mỗi cá nhân. Khảo cứu của J Côngđôminát về người Mnông Gar về canh tác rẫy-đặc trưng của canh tác khô vùng Tây nguyên so với các vùng khác đã cho thấy điều đó. Xin đừng vội kết luận rằng canh tác nương rẫy nói chung là lạc hậu cho năng suất thấp như chúng ta lầm tưởng mà đó chính là sự thích ứng của cư dân đối với môi trường sống và là tri thức mà họ đã tích luỹ được trong quá trình sinh kế. Hãy đọc luật tục để hiểu về điều đó. Đấy là chưa nói về cách khai thác các loại cây, củ, quả, các laọi động vật, các nguồn lợi từ thuỷ sản; các tri thức về thảm thực vật. Câu ca dao:
Vào rừng chẳng thấy lối ra
Thấy cây núc nác ngữ là vàng tâm
Chỉ là dành cho người Kinh, cư dân ít hiểu biết về rừng
Đã có không ít nghiên cứu về canh tác khô cạn, về cách khai thác đất, về phương thức chặt, phát đốt, về hướng gió, về thời tiết mà cư dân canh tác rẫy đã tổng kết. Vì thế đừng quá vội qui kết việc đốt rừng làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên là hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy. Các cư dân bản địa Tây Nguyên có không ít kinh nghiệm để bảo vệ rừng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đặc biệt chú ý đến phương thức canh tác này. Việc đốt rừng tràn làn vài thập kỷ cuối của thế kỷ XX cần phải được xem xét một cách thấu đáo hơn, nhất là khi cùng với quá trình phát triển và biến đổi cơ cấu kinh tế xã hội đã làm cho môi trường sống của cư dân có không ít biến động và nghịch lý. Cũng có thể coi đây là sự phản ứng khi đất đai của tổ tiên bị xâm hại, là sự phản kháng về văn hoá của bản thân cư dân. Tháng 11/2007, tôi có dịp trình bày về tri thức địa phương trong điễn đàn BESETOHA (Diễn đàn của 4 đại học chủ chốt Đông á tại Đại học Tôkyô) và đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Xin đơn cử một đoạn trong luật tục M’nông:
Người bị cháy mà không dập tắt
Người đó sẽ không có rừng
Người đó sẽ không có đất
.....
Bảo nó hãy cất chòi trên mặt trăng
Hãy trỉa lúa trên mây
Tất nhiên liên quan đến tài nguyên thiên nhiên là vấn đề sở hữu theo luật tục và được mọi người chấp hành nghiêm túc. Sẽ là điều bất thường nếu như một cái cây nào đó đã được đánh dấu quyền sở hữu mà bị người khác xâm phạm. Bất kể trong trường hợp nào khi vật đã có chủ thì không ai được phép tự ý sử dụng. Tội ăn cắp được coi là trọng tội. Trường hợp này chỉ có ở người Kinh khi không hiểu luật tục. Đó là điều không thể không lưu ý
Đối với vấn đề sở hữu và các quan hệ xã hội:
Trong kho tàng luật tục các tộc người bản địa Tây Nguyên, các quan hệ xã hội đã được xác lập khá chặt chẽ, trong đó hàm chứa không ít các giá trị nhân bản cần được phân tích, lý giải và khai thác.
Riêng về vấn đề sở hữu, mỗi tộc người có những cách thức riêng do các điều kiện lịch sử quy định. Vấn đề đặt ra ở đây không hẳn là giá trị hay phi giá trị mà là khái niệm liên quan đến toàn bộ nếp sống và quy định trong luật tục của từng tộc người. Xem xét quan niệm sở hữu, nếu so sánh giữa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc như Thái, Tày, Mường... với các dân tộc bản địa Tây Nguyên chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất căn bản, ngay cả khái niệm sở hữu cộng đồng. Đấy là chưa nói so sánh với ruộng đất công của người Kinh. Vấn đề sở hữu đang nói ở đây liên quan chặt chẽ với thiết chế xã hội và đặc trưng văn hoá. Điều cần nhấn mạnh ở đây là mối quan hệ cộng đồng đóng vai trò như giường cột trong đời sống tộc người. Mỗi thành viên coi mối quan hệ cá nhân với cộng đồng là mối quan hệ thiêng liêng. Cái chết không đáng sợ bằng việc bị ly khai ra khỏi cộng đồng. Vì thế trong luật tục đã quy định mối quan hệ này bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và đoàn kết, cộng đồng bao giờ cũng được đặt cao hơn cá nhân hay nói các khác, cá nhân thể hiện mình thông qua cộng đồng. Luật tục cũng quy định các nguyên tắc về quyền lợi và nghĩa vụ, các mối quan hệ về giới, quan hệ trong gia đình, về rèn luyện thế hệ trẻ (thiết chế nhà Rông- nhà cộng đồng) là vậy. Chính vì thế trong kháng chiến và cách mạng, yếu tố cộng đồng đã phát huy tác dụng to lớn, đưa các dân tộc Tây Nguyên đồng hành với dân tộc góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Có thể nói, về cơ bản các quy định liên quan đến các quan hệ xã hội, về đời sống văn hoá vẫn còn nhiều giá trị tích cực có thể kế thừa và phát huy trong việc xây dựng đời sống mới hiện nay. Đấy là chưa nói trên thực tế, nhiều chủ trương của các đoàn thể quần chúng không cách xa mấy so với nhiều quy định trong luật tục, hoàn toàn không phải là yếu tố sáng tạo vĩ đại gì như chúng ta từng nghĩ.
Trong luật tục bao giờ cũng đề cao tính cộng đồng, thân ái và bình đẳng, tuy nhiên bên cạnh đó không phải không có những yếu tố tiêu cực. Thực tế cho thấy, tính cộng đồng có mặt hạn chế của nó bởi tính cục bộ khép kín, bởi tính tự quản trong xã hội truyền thống trước sự tác động từ bên ngoài, nhưng ngược lại, chính là đề cao sự gắn bó của từng cá nhân trước cộng đồng. Đó là tính hai mặt của nó. Vấn đề chủ yếu hiện nay là khai thác tính cộng đồng trong mối liên hệ rộng hơn, từ buôn làng, mở rộng ra tộc người, khu vực, liên tộc người và quốc gia. Tất nhiên mỗi cộng đồng như vậy đều gắn bó với một không gian thiêng, một biểu tượng nhất định. Chính biểu tượng và không gian thiêng đó đã góp phần rất quan trọng gắn kết từng thành viên trong mối quan hệ cộng đồng. Không thể và không nên tìm mọi cách gạt bỏ nó trong đời sống hiện nay.
Trong kho tàng luật tục, bên cạnh những giá trị đích thực cũng có không ít những mặt hạn chế, cần phải loại bỏ trong cuộc sống. Tất nhiên điều này chỉ có thể thực hiện được gắn liền với mọt quá trình tác động lâu dài, bởi luật tục đã ăn sâu vào máu thịt, nhất là những người cao tuổi, mà trên thực tế ở Tây Nguyên đây lại là bộ phận đóng vai trò chính trong sự vận hành của luật tục. Không phải ngẫu nhiên mà Guymiliê, một học giả người Pháp khi nghiên cứu về thiết chế già làng đã cho rằng, họ (người già) có quyền hành bởi lẽ thần linh nể các cụ hơn cả.
Trên thực tế, luật tục có sức mạnh khôn lường và do đó sự thích ứng với những đổi thay là việc rất khó khăn, đặc biệt là những vấn đề đã lỗi thời. Có thể thấy rõ điều này thông qua những quan niệm về tín ngưỡng, về thần linh và đi kèm với nó là những tập tục, ví như tục lặn nước, tục đổ chì trong toà án phong tục; tục nối nòi trong thiết chế mẫu hệ; các quan niệm về ma lai... Quan niệm về vai trò của thần linh đã/ vẫn đang chi phối bởi nếp nghĩ và hành động của con người
Khi bàn đến luật tục không thể không tính tới mối quan hệ giữa luật tục và luật pháp. Như đã đề cập ở trên, chưa thể và không thể loại bỏ hoàn toàn luật tục (không kể các yếu tố tích cực) ra khỏi đời sống xã hội, mặc dù bằng tư duy ý chí chúng ta từng có ý định làm điều đó, nhưng cũng không thể duy trì nguyên bản luật tục khi mà xã hội đã có những chuyển biến và thay đổi rất căn bản. Vấn đề cốt lõi đặt ra ở đây là giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới hay truyền thống và hiện đại trên quan điểm khách quan, phát triển. Cần lưu ý rằng truyền thống (trong đó có luật tục) chỉ có một. Việc nhận diện nó tích cực hay tiêu cực là do nhu cầu cuộc sống và lăng kính của thời cuộc quy định. Việc xây dựng hương ước thôn bản hay buôn làng cũng như chương trình hỗ trợ pháp lý hiện nay cũng chính là xuất phát từ yêu cầu mà cuộc sống đặt ra, không thể không tính đến những yếu tố đó.
Khi nói đến khu vực lịch sử này, ngoài các sắc thái văn hoá vật thể khá đặc sắc, không thể không nhắc tới các sắc thái văn hoá phi vật thể, trong đó có phong tục và đặc biệt là luật tục. Hơn ở đâu hết, trên lãnh thổ Việt Nam, Luật tục các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên có sức sống mãnh liệt, không chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại, “thấm đẫm’’ trong cuộc sống buôn làng, là nền tảng chi phối cuộc sống của từng thành viên và của cả cộng đồng.
2. Ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm về luật tục ở Tây Nguyên nhằm phục vụ cho việc thống trị của họ tại xứ Đông Dương thuộc địa với phương châm sử dụng các thiết chế cổ truyền nhằm cai trị vừa gián tiếp, vừa hiệu quả. Nếu như với người Việt, người Pháp thực hiện cuộc cải lương hương chính thì ở các dân tộc thiểu số, khai thác luật tục trong việc thống trị đặc biệt được đề cao, gắn liền với việc thực hiện chính sách chia để trị, giữa người Việt và các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau. Việc âm mưu thành lập các xứ tự trị của các dân tộc thiểu số là bằng chứng cho âm mưu đó.
Khách quan mà nói mặc dù phục vụ trực tiếp cho việc thống trị, nhưng những sưu tầm, nghiên cứu của người Pháp đã giúp chúng ta nhận diện khá phong phú về luật tục của nhiều dân tộc thiểu số ở khu vực này như Ê đê, Xtiêng, Ba na, Xê Đăng, Gia rai, Mạ, Kơ ho... Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu, sưu tầm luật tục ở Tây Nguyên cũng đã được triển khai nhằm khai thác di sản văn hoá dân tộc, đồng thời nghiên cứu luật tục nhằm góp phần ứng dụng các giá trị văn hoá trong quản lý cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.
3. Trong kho tàng luật tục các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên có thể thấy, mặc dù cấu tạo của các bộ luật tục không giống nhau nhưng đều có những thông số chung. Đó là tính tổng hợp của các bộ luật tục. Về cơ bản, luật tục là sản phẩm của xã hội truyền thống và do đó nội dung của luật tục phản ánh đặc trưng của văn hoá truyền thống, trong đó tính tộc người được thể hiện khá rõ nét. Thêm nữa, luật tục từng tồn tại khá lâu dài, là sản phẩm của bản thân từng tộc người và trên một khía cạnh nhất định, nó còn mang tính địa phương và nhóm địa phương tộc người. Đây là một đặc trưng khá độc đáo của luật tục không thể không lưu ý khi chúng ta xem xét mối quan hệ giữa luật tục và luật nước, giữa sắc thái địa phương và sắc thái tộc người, nhất là khi đưa các yếu tố pháp luật hiện đại vào cuộc sống.
Khi nói đến luật tục không thể không nhắc đến mối quan hệ giữa luật tục với phong tục và luật pháp. Tuy nhiên ngoài những chức năng vốn có của nó, cần phải khẳng định rằng, luật tục là một trong những yếu tố rất cơ bản của văn hoá dân tộc. Sự ra đời của luật tục chính là sản phẩm của văn hoá dân tộc và ngược lại chính văn hoá dân tộc lại trở thành “bà đỡ” cho sự tồn tại và sức sống mãnh liệt của luật tục. Trong xã hội truyền thống, mỗi thành viên đều hành động theo luật tục: ăn theo luật tục, ngủ theo luật tục, làm theo luật tục. Chính vì vậy luật tục ăn sâu vào tiềm thức, trở thành tình cảm thiêng liêng của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, được mọi thành viên tự nguyện chấp hành, khác với ý thức pháp luật mà chúng ta đang xây dựng hiện nay bởi thiết chế vận hành của nó.
Cần phải khẳng định rằng, không thể hiểu được xã hội cổ truyền cũng như văn hoá của các tộc người, nếu không nghiên cứu luật tục. Luật lục hàm chứa trong đó hầu khắp các lĩnh vực của đời sống tộc người từ môi trường cảnh quan đến vấn đề sở hữu, từ tổ chức, thiết chế đến các quan hệ xã hội, từ hôn nhân gia đình đến tín ngưỡng dân gian, từ văn học nghệ thuật đến hệ thống lễ nghi, từ cá nhân đến cộng đồng, từ mối quan hệ giữa tộc người với bên ngoài.
Trong kho tàng luật tục, ngoài các yếu tố trái với luật pháp, có thể thấy một hệ giá trị văn hoá mà ta quen gọi là các yếu tố tích cực vẫn và đang phù hợp và phát huy tác dụng tích cực trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, trong luật tục cũng tồn tại một số yếu tố tuy không mang tính tích cực nhưng không phương hại đến sự phát triển cần được nhận diện và đánh giá một cách khách quan.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng luật tục là kho tàng tri thức dân gian phong phú. Đó là kho tàng tri thức được tích luỹ và đúc rút qua nhiều thế hệ trong quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội của tộc người qua qua trình lịch sử với không ít thách đố quyết liệt. Có thể kể ra đây một số hệ giá trị:
Đó là tri thức về bảo về nguồn tài nguyên và môi trường sống. Cụ thể ở đây là các tri thức về đất đai, về rừng (với tư cách vừa là tài nguyên thiên nhiên, vừa là môi trường sống và hơn thế là văn hoá tộc người).
Như chúng ta đã biết, đối với các cư dân bản địa Tây Nguyên, rừng là tất cả. Rừng là đất đai của tổ tiên, là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Theo quan niệm của cư dân Tây Nguyên, con người được sinh ra với rừng, chết đi lại trở về với rừng. Rừng là nơi trú ngụ của thần linh- biểu tượng thiêng liêng của mỗi con người và của mọi cộng đồng. Rừng là nguồn nuôi dưỡng nuôi sống cộng đồng, là nơi mang lại niềm tự hào và thiêng liêng của cộng đồng và mỗi cá nhân. Khảo cứu của J Côngđôminát về người Mnông Gar về canh tác rẫy-đặc trưng của canh tác khô vùng Tây nguyên so với các vùng khác đã cho thấy điều đó. Xin đừng vội kết luận rằng canh tác nương rẫy nói chung là lạc hậu cho năng suất thấp như chúng ta lầm tưởng mà đó chính là sự thích ứng của cư dân đối với môi trường sống và là tri thức mà họ đã tích luỹ được trong quá trình sinh kế. Hãy đọc luật tục để hiểu về điều đó. Đấy là chưa nói về cách khai thác các loại cây, củ, quả, các laọi động vật, các nguồn lợi từ thuỷ sản; các tri thức về thảm thực vật. Câu ca dao:
Vào rừng chẳng thấy lối ra
Thấy cây núc nác ngữ là vàng tâm
Chỉ là dành cho người Kinh, cư dân ít hiểu biết về rừng
Đã có không ít nghiên cứu về canh tác khô cạn, về cách khai thác đất, về phương thức chặt, phát đốt, về hướng gió, về thời tiết mà cư dân canh tác rẫy đã tổng kết. Vì thế đừng quá vội qui kết việc đốt rừng làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên là hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy. Các cư dân bản địa Tây Nguyên có không ít kinh nghiệm để bảo vệ rừng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đặc biệt chú ý đến phương thức canh tác này. Việc đốt rừng tràn làn vài thập kỷ cuối của thế kỷ XX cần phải được xem xét một cách thấu đáo hơn, nhất là khi cùng với quá trình phát triển và biến đổi cơ cấu kinh tế xã hội đã làm cho môi trường sống của cư dân có không ít biến động và nghịch lý. Cũng có thể coi đây là sự phản ứng khi đất đai của tổ tiên bị xâm hại, là sự phản kháng về văn hoá của bản thân cư dân. Tháng 11/2007, tôi có dịp trình bày về tri thức địa phương trong điễn đàn BESETOHA (Diễn đàn của 4 đại học chủ chốt Đông á tại Đại học Tôkyô) và đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Xin đơn cử một đoạn trong luật tục M’nông:
Người bị cháy mà không dập tắt
Người đó sẽ không có rừng
Người đó sẽ không có đất
.....
Bảo nó hãy cất chòi trên mặt trăng
Hãy trỉa lúa trên mây
Tất nhiên liên quan đến tài nguyên thiên nhiên là vấn đề sở hữu theo luật tục và được mọi người chấp hành nghiêm túc. Sẽ là điều bất thường nếu như một cái cây nào đó đã được đánh dấu quyền sở hữu mà bị người khác xâm phạm. Bất kể trong trường hợp nào khi vật đã có chủ thì không ai được phép tự ý sử dụng. Tội ăn cắp được coi là trọng tội. Trường hợp này chỉ có ở người Kinh khi không hiểu luật tục. Đó là điều không thể không lưu ý
Đối với vấn đề sở hữu và các quan hệ xã hội:
Trong kho tàng luật tục các tộc người bản địa Tây Nguyên, các quan hệ xã hội đã được xác lập khá chặt chẽ, trong đó hàm chứa không ít các giá trị nhân bản cần được phân tích, lý giải và khai thác.
Riêng về vấn đề sở hữu, mỗi tộc người có những cách thức riêng do các điều kiện lịch sử quy định. Vấn đề đặt ra ở đây không hẳn là giá trị hay phi giá trị mà là khái niệm liên quan đến toàn bộ nếp sống và quy định trong luật tục của từng tộc người. Xem xét quan niệm sở hữu, nếu so sánh giữa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc như Thái, Tày, Mường... với các dân tộc bản địa Tây Nguyên chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất căn bản, ngay cả khái niệm sở hữu cộng đồng. Đấy là chưa nói so sánh với ruộng đất công của người Kinh. Vấn đề sở hữu đang nói ở đây liên quan chặt chẽ với thiết chế xã hội và đặc trưng văn hoá. Điều cần nhấn mạnh ở đây là mối quan hệ cộng đồng đóng vai trò như giường cột trong đời sống tộc người. Mỗi thành viên coi mối quan hệ cá nhân với cộng đồng là mối quan hệ thiêng liêng. Cái chết không đáng sợ bằng việc bị ly khai ra khỏi cộng đồng. Vì thế trong luật tục đã quy định mối quan hệ này bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và đoàn kết, cộng đồng bao giờ cũng được đặt cao hơn cá nhân hay nói các khác, cá nhân thể hiện mình thông qua cộng đồng. Luật tục cũng quy định các nguyên tắc về quyền lợi và nghĩa vụ, các mối quan hệ về giới, quan hệ trong gia đình, về rèn luyện thế hệ trẻ (thiết chế nhà Rông- nhà cộng đồng) là vậy. Chính vì thế trong kháng chiến và cách mạng, yếu tố cộng đồng đã phát huy tác dụng to lớn, đưa các dân tộc Tây Nguyên đồng hành với dân tộc góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Có thể nói, về cơ bản các quy định liên quan đến các quan hệ xã hội, về đời sống văn hoá vẫn còn nhiều giá trị tích cực có thể kế thừa và phát huy trong việc xây dựng đời sống mới hiện nay. Đấy là chưa nói trên thực tế, nhiều chủ trương của các đoàn thể quần chúng không cách xa mấy so với nhiều quy định trong luật tục, hoàn toàn không phải là yếu tố sáng tạo vĩ đại gì như chúng ta từng nghĩ.
Trong luật tục bao giờ cũng đề cao tính cộng đồng, thân ái và bình đẳng, tuy nhiên bên cạnh đó không phải không có những yếu tố tiêu cực. Thực tế cho thấy, tính cộng đồng có mặt hạn chế của nó bởi tính cục bộ khép kín, bởi tính tự quản trong xã hội truyền thống trước sự tác động từ bên ngoài, nhưng ngược lại, chính là đề cao sự gắn bó của từng cá nhân trước cộng đồng. Đó là tính hai mặt của nó. Vấn đề chủ yếu hiện nay là khai thác tính cộng đồng trong mối liên hệ rộng hơn, từ buôn làng, mở rộng ra tộc người, khu vực, liên tộc người và quốc gia. Tất nhiên mỗi cộng đồng như vậy đều gắn bó với một không gian thiêng, một biểu tượng nhất định. Chính biểu tượng và không gian thiêng đó đã góp phần rất quan trọng gắn kết từng thành viên trong mối quan hệ cộng đồng. Không thể và không nên tìm mọi cách gạt bỏ nó trong đời sống hiện nay.
Trong kho tàng luật tục, bên cạnh những giá trị đích thực cũng có không ít những mặt hạn chế, cần phải loại bỏ trong cuộc sống. Tất nhiên điều này chỉ có thể thực hiện được gắn liền với mọt quá trình tác động lâu dài, bởi luật tục đã ăn sâu vào máu thịt, nhất là những người cao tuổi, mà trên thực tế ở Tây Nguyên đây lại là bộ phận đóng vai trò chính trong sự vận hành của luật tục. Không phải ngẫu nhiên mà Guymiliê, một học giả người Pháp khi nghiên cứu về thiết chế già làng đã cho rằng, họ (người già) có quyền hành bởi lẽ thần linh nể các cụ hơn cả.
Trên thực tế, luật tục có sức mạnh khôn lường và do đó sự thích ứng với những đổi thay là việc rất khó khăn, đặc biệt là những vấn đề đã lỗi thời. Có thể thấy rõ điều này thông qua những quan niệm về tín ngưỡng, về thần linh và đi kèm với nó là những tập tục, ví như tục lặn nước, tục đổ chì trong toà án phong tục; tục nối nòi trong thiết chế mẫu hệ; các quan niệm về ma lai... Quan niệm về vai trò của thần linh đã/ vẫn đang chi phối bởi nếp nghĩ và hành động của con người
Khi bàn đến luật tục không thể không tính tới mối quan hệ giữa luật tục và luật pháp. Như đã đề cập ở trên, chưa thể và không thể loại bỏ hoàn toàn luật tục (không kể các yếu tố tích cực) ra khỏi đời sống xã hội, mặc dù bằng tư duy ý chí chúng ta từng có ý định làm điều đó, nhưng cũng không thể duy trì nguyên bản luật tục khi mà xã hội đã có những chuyển biến và thay đổi rất căn bản. Vấn đề cốt lõi đặt ra ở đây là giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới hay truyền thống và hiện đại trên quan điểm khách quan, phát triển. Cần lưu ý rằng truyền thống (trong đó có luật tục) chỉ có một. Việc nhận diện nó tích cực hay tiêu cực là do nhu cầu cuộc sống và lăng kính của thời cuộc quy định. Việc xây dựng hương ước thôn bản hay buôn làng cũng như chương trình hỗ trợ pháp lý hiện nay cũng chính là xuất phát từ yêu cầu mà cuộc sống đặt ra, không thể không tính đến những yếu tố đó.
PGS.TS. Lâm Bá Nam (Nguồn: Tạp chí Dân tộc - Số 118/2010) [TT: H.T.N]
Tin khác