Chăn nuôi đại gia súc: Hướng thoát nghèo ở Mù Cang Chải

09:47 AM 13/10/2010 |   Lượt xem: 3418 |   In bài viết | 
Ở xã La Pán Tẩn, gia đình anh Giàng Chờ Say đã bỏ tập tục chăn thả lạc hậu xưa kia, tập trung công sức thực hiện nuôi bò bán chăn thả. Đến nay, gia đình anh đã có 4 con bò, ngoài ra anh còn nuôi thêm 2 con trâu để làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cuối năm nay gia đình anh sẽ bán bớt đi 2 con bò để mua sắm một số tiện nghi sinh hoạt gia đình và lo cho con cái ăn học.

 

Từ thành công của những mô hình này, xã La Pán tẩn đã nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn xã, đến nay ở cả 7 thôn bản của xã, người dân đã làm chuồng nuôi nhốt gia súc, trồng cỏ để phát triển chăn nuôi, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa khô, rét, không chỉ phục vụ làm sức kéo cho sản xuất nong nghiệp mà chăn nuôi ở La Pán Tẩn đã phát triển thành hàng hoá.

 

Bình quân mỗi năm tiền thu từ bán trâu bò thịt cũng mang về cho xã hàng trăm triệu đồng, góp phần đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Chăn nuôi không những phát triển mạnh về số lượng mà chất lượng cũng ngày một đảm bảo hơn. Đến nay, số lượng trâu bò toàn xã đã phát triển tương đối nhanh với 700 con trâu bò.

 

Để thúc đẩy phong trào chăn nuôi theo hướng bán chăn thả, chuyển dịch theo hướng chăn nuôi hàng hoá, đồng thời thực hiện đề án trâu cái sinh sản theo chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc của tỉnh Yên Bái, căn cứ vào điều kiện kinh tế cụ thể của từng địa phương như tỷ lệ hộ nghèo, điều kiện lao động, điều kiện chăn thả.

 

Năm 2009, Phòng kinh tế nông nghiệp huyện đã tiến hành phân bổ 150 con trâu cho 3 xã là Lao Chải, Chế Cu Nha và Dế xu Phình để nhân dân chăn nuôi theo hướng hàng hoá, năm 2010 là 350 con cho tiếp 5 xã là Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Púng Luông, Mồ Dề, kế hoạch năm 2011 là 250 con.

 

Trên cơ sở đó, đơn vị đã phối hợp, chỉ đạo ngành thú y, khuyến nông  hướng dẫn nhân dân vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, chống rét cho đàn gia súc, đồng thời tiến hành tiêm phòng theo định kỳ phòng các dịch bệnh cho gia súc. Hỗ trợ mỗi hộ dân 1 trâu nái sinh sản, 1 triệu đồng làm chuồng trại, 250 ngàn đồng trồng 1.000m2 cỏ chăn nuôi cho mỗi gia đình.

 

Cùng với đó là việc lồng ghép các chương trình trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, tích trữ cỏ khô co trâu bò trong mùa đông, đến nay trên 80% hộ dân trong huyện đã làm chuồng trại nuôi nhốt trâu bò theo hình thức bán chăn thả.

 

Có thể nói phong trào chăn nuôi đại gia súc ở Mù Cang Chải đã phát triển mạnh mẽ sang sản xuất hàng hoá, chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng với gần 20.000 trâu bò. Từ những thành quả này sẽ góp phần quan trọng vào việc xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong huyện.

Văn Tân (Nguồn: Báo Yên Bái)