Hiệu quả nhà bán trú dân nuôi ở vùng cao Bắc Cạn
03:17 AM 12/10/2010 | Lượt xem: 3600 In bài viết |Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng những năm gần đây, một số địa phương ở tỉnh Bắc Cạn đã huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh vùng cao, gọi là nhà bán trú dân nuôi. Thực tế, mô hình nhà bán trú dân nuôi đã phát huy hiệu quả tích cực, học sinh không bỏ học, kết quả giáo dục cũng được nâng lên.
Pác Nặm là một huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh, đồng bào Mông, Dao chiếm hơn 80% số dân, địa bàn rộng, hiểm trở, dân cư sống phân tán. Ðể khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, ở cấp tiểu học huyện xây dựng các phân trường lẻ gần dân, bám dân. Nhưng lên đến cấp trung học cơ sở (THCS), các em phải đến các trường chính ở trung tâm các xã để học, có rất nhiều học sinh nhà cách trường hàng chục cây số đường rừng, hằng ngày các em thường phải dậy từ rất sớm, năm giờ sáng đã phải đốt đuốc đi học, vì thế nhiều em đã bỏ học giữa chừng. Khắc phục vấn đề đi lại, nhiều nơi phụ huynh đã cùng nhau dựng lều, lán tạm ở gần trường cho con em ở để theo học. Nhưng chỉ là những căn lán tạm bợ, rách nát, không điện, nước sinh hoạt phải đi xin, điều kiện ăn ở, học tập của các em vô cùng khó khăn, an ninh trật tự không bảo đảm.
Trước tình hình đó, để thống nhất chỉ đạo khắc phục vấn đề này, tháng 6-2006, Huyện ủy Pác Nặm đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nhà bán trú trong trường THCS. Huyện ủy chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo xây dựng Ðề án xã hội hóa đầu tư mô hình nhà bán trú dân nuôi tại tám xã. Huyện trích một phần vốn từ các chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng nhà bán trú dân nuôi. Nhà bán trú dân nuôi ở xã Công Bằng được đưa vào sử dụng cách đây hơn hai năm, được các bậc phụ huynh hoan nghênh, ủng hộ, vì họ rất yên tâm khi con em ăn ở, học tập tại đây. Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo Hoàng Ngọc Quỳnh cho biết: Tại trường THCS Công Bằng, khi chưa có nhà bán trú dân nuôi thì năm nào cũng có học sinh bỏ học, đặc biệt có lớp đến một phần ba học sinh bỏ học, nhưng từ khi có nhà bán trú dân nuôi thì các em ở bán trú đều tham gia đầy đủ các buổi học, lực học của các em cũng được nâng lên rõ rệt.
Tại các trường có nhà bán trú, nhà trường có lịch sinh hoạt hằng ngày, quản lý giờ giấc học tập, vệ sinh, bảo đảm an ninh trật tự, phụ đạo học sinh yếu kém. Năm 2010, Tập đoàn Bảo Việt Việt Nam giúp huyện Pác Nặm ba tỷ đồng để xây dựng nhà bán trú và mua sắm đồ dùng sinh hoạt cho học sinh. Ông Hoàng Ngọc Quỳnh cho biết thêm: Hiệu quả của mô hình nhà bán trú dân nuôi còn có tác động thay đổi nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số về giáo dục, từ đó huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục vùng cao.
Từ hiệu quả của nhà bán trú dân nuôi ở xã Công Bằng, huyện Pác Nặm đã tiếp tục mở rộng xây dựng nhà bán trú ra các xã Giáo Hiệu, Bằng Thành, Nghiên Loan với phương châm huy động các nguồn lực, doanh nghiệp giúp đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, phụ huynh cung cấp gạo, mỗi học sinh được Nhà nước hỗ trợ 140 nghìn đồng/tháng để cải thiện cuộc sống. Thành công ở huyện Pác Nặm, mô hình nhà bán trú dân nuôi đã lan tỏa sang các huyện Ba Bể, Na Rì. Mới đây, Tỉnh ủy Bắc Cạn chỉ đạo xây dựng nhà bán trú dân nuôi tại xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn).
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Bắc Cạn Phạm Lê Ngà cho biết: 'Chỉ tính riêng năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có 971 học sinh bỏ học, chiếm gần 2% tổng số học sinh trong tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do đường tới trường của các em quá xa. Góp phần giải quyết vấn đề bán trú cho học sinh, năm học 2010 - 2011, chúng tôi chỉ đạo các trường dồn lớp để có một, hai phòng dành cho học sinh ở xa bán trú nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt'.
Nhu cầu nhà bán trú dân nuôi trên địa bàn tỉnh còn nhiều, nhưng do điều kiện kinh tế của nhân dân còn khó khăn và tỉnh chưa có chương trình, giải pháp chung nên đến nay học sinh được ở trong những ngôi nhà bán trú được xây dựng kiên cố còn chiếm tỷ lệ thấp. Do đó, tỉnh Bắc Cạn cần rà soát nhu cầu thực tế, xây dựng chương trình cụ thể, huy động các nguồn lực của xã hội cùng với nguồn vốn từ ngân sách đầu tư xây dựng nhà bán trú dân nuôi ở những nơi có nhu cầu để góp phần phát triển giáo dục trên địa bàn.
Theo Thế Bình (Báo Nhân dân điện tử)