Hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn II ở xã Công Trừng, huyện Hòa An - tỉnh Cao Bằng
04:25 AM 03/11/2010 | Lượt xem: 3023 In bài viết |Công Trừng là xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện gần 30 km về phía Tây. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 16,9 km2, chia thành 5 xóm hành chính, gần 200 hộ, dân số trên 1.000 người gồm 5 dân tộc anh em cùng chung sống với nhau, gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao và Kinh, trong đó dân tộc Dao chiếm phần đa. Đời sống và sản xuất của người dân là trồng lúa, ngô và một số cây hoa màu khác, trình độ dân trí thấp, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, tỷ lệ hộ nghèo cao (71,9% năm 2006), cơ sở hạ tầng còn quá yếu.
Từ khi triển khai Chương trình 135 giai đoạn II năm 2006 - 2010, xã đã đạt được một số kết quả đáng kể:
- Công trình cơ sở hạ tầng: xây dựng mới được 4 công trình, trong đó 1 công trình giao thông, 3 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Tổng số hộ được hưởng lợi từ các công trình trên là 123 hộ.
- Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: hỗ trợ được 37,8 tấn phân bón, 822 máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, 30 con gia súc và tổ chức 6 lớp tập huấn cho 128 hộ với 396 lượt người tham gia.
- Chính sách hỗ trợ cải thiện dịch vụ và nâng cao đời sống của nhân dân, hỗ trợ văn hóa và trợ giúp pháp lý: toàn xã đã hỗ trợ được 92,48 triệu đồng cho 168 em học sinh con hộ nghèo.
Những thành tựu trên đã tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của xã như: 14,8% số hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm; 60% số xóm, thôn bản có đường cho xe cơ giới đi được; 60% số xóm có điện; 55,5% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 71,9% năm 2006 xuống còn 55,49% năm 2010; 43,9% số hộ có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh; số hộ có nhà xiêu vẹo, dột nát còn 1,6%; 60% xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ; học sinh trong độ tuổi đi học tăng từ 88% năm 2006 lên 98,7% năm 2010; trung học cơ sở tăng từ 67% lên 93% (từ năm 2006 đến năm 2010);THPT tăng từ 25% năm 2006 lên 40% năm 2010;người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp luật; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một bước, đời sống văn hóa được cải thiện, cán bộ xã, xóm và cộng đồng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Có được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính quyền xã đã phát huy được nội lực của địa phương mình để thực hiện Chương trình (cả giai đoạn đã huy động được trên 12.000 m2 đất, 1.000 ngày công lao động, quy ra tiền gần 700 triệu đồng).
Để phát huy cao hơn nữa hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn tiếp theo tại xã nói riêng và trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói chung, xã đã đưa ra một số kiến nghị đối với các cấp quản lý như: Tăng nguồn vốn hằng năm lên 2 tỷ đồng/năm cho xã, nên chọn 1 hoặc 2 xã trong tỉnh làm thí điểm đầu tư..../.
Lê Hằng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng