Tìm lại tiếng chiêng Tây Nguyên
08:07 AM 03/11/2010 | Lượt xem: 2737 In bài viết |Sau một ngày lao động vất vả, họ - những đoàn viên thanh niên và những nghệ nhân của thôn Đồng Đò (xã Tân nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lại tụ họp lại để cùng nhau luyện tập những điệu chiêng mà đã 20 năm rồi họ không còn được nghe nữa. Người có ý định thành lập nhóm chiêng này là anh K’Điếc (người dân tộc K’Ho) – Bí thư Đoàn xã Tân Nghĩa.
Sau một ngày lao động vất vả, họ - những đoàn viên thanh niên và những nghệ nhân của thôn Đồng Đò (xã Tân nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lại tụ họp lại để cùng nhau luyện tập những điệu chiêng mà đã 20 năm rồi họ không còn được nghe nữa. Người có ý định thành lập nhóm chiêng này là anh K’Điếc (người dân tộc K’Ho) – Bí thư Đoàn xã Tân Nghĩa
Sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành văn hóa – thông tin, anh K’Điếc trở về quê hương công tác với rất nhiều trăn trở và nuôi dự định làm sao để quê hương mình ngày càng tiến bộ hơn. Và trăn trở lớn nhất của anh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là mong muốn khôi phục lại được tiếng chiêng cồng, từ lâu đã không còn xuất hiện ở thôn xã mình nữa.
Anh K’Điếc tâm sự: “Trước thực trạng cồng chiêng đang dần biến mất khỏi buôn làng, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng là hết sức cấp bách và cần thiết. Trước hết là để gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, sau đó là mình muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh để thu hút các đoàn viên thanh niên tham gia, nhằm hạn chế thanh niên sa vào những tệ nạn xã hội”. Nhưng công việc này lúc đầu thật không đơn giản, số lượng chiêng trong thôn còn rất ít, các nghệ nhân còn sống trong thôn không còn được bao nhiêu, những đoàn viên thanh niên người thì đi làm ăn xa, số còn lại thì bù đầu vào công việc không còn thời gian rảnh, nên việc tụ họp lại thật rất khó khăn. Nhưng cuối cùng, bằng sự nhiệt huyết của mình và sự quan tâm của lãnh đạo xã, đã tác động đến ý thức của các đoàn viên thanh niên và họ đã hiểu được mục đích và ý nghĩa của hoạt động này.
Tháng 3 năm 2009, nhóm chiêng của thôn Đồng Đò được thành lập. Ban đầu gồm 3 nghệ nhân và một số đoàn viên của thôn. Để có được những chiếc chiêng để tập, anh K’Điếc đã cùng lãnh đạo xã đến tận từng nhà người dân để vận động bà con cho mượn. Nhóm chiêng đã đưa ra sáng kiến là mượn trường học của xã để tập đánh chiêng.
Sau một thời gian chăm chỉ luyện tập, nhóm chiêng của thôn Đồng Đò đã đi giao lưu với các nhóm chiêng khác trong huyện, tới các trường học biểu diễn cho các em học sinh để các em hiểu được giá trị nét văn hóa của dân tộc mình và đã tạo ra được sự thích thú cho các em nhỏ. Vừa qua, nhóm cũng đã tham dự Festival cồng chiêng Lâm Đồng, tổ chức tại huyện Di Linh.
Khi được hỏi về những khó khăn và mong muốn của nhóm, anh K’Điếc đã tâm sự: Mong muốn của nhóm là có được một nơi rộng rãi để mọi người cùng nhau luyện tập, trong những buổi tập luyện ấy, các đoàn viên thanh niên có điều kiện gắn kết nhau hơn, tạo ra sân chơi lành mạnh để phần nào hạn chế thanh niên sa vào những tệ nạn xã hội”.Bà Nguyễn Thị Tứ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa, phụ trách khối văn xã, cho biết: “Thôn Đồng Đò có tới 40% là người đồng bào dân tộc K’Ho. Chúng tôi rất hoan nghênh về ý tưởng thành lập nhóm chiêng của anh K’Điếc. Mặc dù còn nhiều khó khăn về nơi luyện tập, kinh phí, nhưng nhóm chiêng đã nỗ lực vượt qua để bảo tồn nét văn hóa của dân tộc. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo cấp trên quan tâm và tạo điều kiện cho nhóm có điều kiện tốt hơn đề phát triển và nhân rộng ý tưởng này, nhằm tạo ra một sân chơi văn hóa lành mạnh cho thanh niên”.
Trong tương lai gần, anh K’Điếc có ý định sẽ xin ý kiến lãnh đạo xã và các nghệ nhân xây dựng một quy chế riêng như một câu lạc bộ, để tất cả các đoàn viên thanh niên cùng tham gia học tập và giao lưu. Còn giờ đây, người dân thôn Đồng Đò vui lắm, tiếng chiêng sau 20 năm thất lạc lại rộn ràng trở lại khắp thôn buôn.
Theo Báo ĐĐK [TT: H.T.N]