Tác phẩm dự thi "Gương sáng giữa cộng đồng": Vượt qua hủ tục
08:55 AM 04/11/2010 | Lượt xem: 2156 In bài viết |Là người con của dân tộc Khơ-mú, khi mới mười sáu tuổi, với khát vọng đi tìm miền đất hứa, bà đã trốn nhà đi bộ 3 ngày trời để tìm cái chữ và trở thành người phụ nữ có “trình độ học vấn” cao nhất bản Phiêng Khá lúc bây giờ. Nhiều năm liền làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mai Sơn (Sơn La), bà không những tích cực vận động bà con thôn bản từ bỏ trồng cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo mà còn nhận 5 đứa trẻ lang thang cơ nhỡ về nuôi dưỡng, cho chúng ăn học trưởng thành. Bà là Lò Thị Phanh, ở Tiểu khu 15, thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn).
Trốn nhà đi tìm cái chữ
Gọi là tiểu khu của thị trấn nhưng chúng tôi phải leo qua ba quả đồi, xuyên qua mấy ruộng sắn mới tới được căn nhà của hai vợ chồng bà Phanh. Khi chúng tôi đến cũng là lúc bà Phanh vừa đi họp chi bộ về. Bà bảo, họp chi bộ để lập kế hoạch chuẩn bị cho con em trong xã đi học tại các trường trung cấp nghề ở Thái Nguyên. “Ngày xưa, chúng tôi không được học cái chữ, khổ lắm. Bây giờ đất nước đổi mới, các cháu thanh niên được lựa chọn cho mình những công việc tùy vào khả năng mỗi người. Mà học có mất tiền học phí đâu, toàn được Nhà nước hỗ trợ miễn phí thôi”.
Nói chuyện với chúng tôi, bà Phanh bảo, cái thời của bà, việc đi tìm cái chữ khó khăn vất vả lắm. Đàn ông đã khó, đàn bà càng khó hơn. Như dân tộc Khơ-mú của bà, suốt một thời gian dài sống ở Phiêng Khá (Chiềng Nơi–Mai Sơn) chẳng ai biết đến cái chữ. Ngày bà lên mười lăm, mười sáu tuổi đã mạnh dạn xin cha mẹ cho đi học. Lúc ấy, cha mẹ bà rất ngạc nhiên, thậm chí còn cho rằng bà bị con ma rừng, ma núi ám nên nói toàn điều... kỳ lạ thế. Người cha bảo, ở nhà thì còn là con của ông, còn là đứa con gái của dòng họ Lò, nếu cứ tìm cách đi học thì đừng bao giờ gọi ông là cha nữa. Còn mẹ của bà thì khóc hết nước mắt dỗ dành con gái: “Phanh à! Tại sao mày lại nghĩ vậy. Mày thấy cả làng cả bản người Khơ-mú mình, quanh năm chỉ lên nương gieo hạt tỉa lúa, vào rừng săn bắn và ra suối đơm cá thôi. Có ai đi học cái chữ đâu mà vẫn sống, vẫn khỏe mạnh đó. Phanh à! Mày thôi ngay cái suy nghĩ ấy đi nhé!”
Vừa chăm chú khâu chiếc áo cho chồng, bà Phanh tâm sự, bà chẳng bao giờ oán trách cha mẹ. Lúc đó bất kỳ ai cũng có chung suy nghĩ như vậy thôi. Thời của bà, việc đi tìm cái chữ, học tiếng Việt là một điều gì đó rất xa lạ với bà con Khơ-mú.
Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, cấm đoán của gia đình, dòng họ, bà Phanh vẫn quyết tâm trốn nhà đi học. Đi bộ mất ba ngày ba đêm, bà mới xuống được Chiềng Nơi để học chữ. Mặc dù nhà bà cách Chiềng Nơi không xa lắm nhưng hơn một năm trời, bà không dám về nhà vì sợ phải đối mặt với nỗi tức giận vẫn chưa nguôi ngoai của người cha trước đứa con gái “bất trị”.
Bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng đã qua, bà Phanh không khỏi xúc động: “Ngày đọc thông viết thạo tiếng Việt, tôi đã viết một bức thư về cho cha mẹ. Tôi nói rằng, tuy xa nhà nhưng đêm đêm, hình bóng của cha mẹ vẫn hiện lên trong giấc ngủ của tôi. Tôi đã học được cái chữ, biết được nhiều điều hay lẽ phải, biết được cả nước đang cùng nhau đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Và tôi sẽ xung phong đi làm công nhân làm đường để phục vụ cách mạng, phục vụ sự nghiệp chung của cả nước. Tôi vừa viết vừa khóc... Lúc gửi bức thư đi, tôi chỉ mong cha mẹ hiểu và ủng hộ việc làm của mình. Thật bất ngờ, chỉ một tuần sau, cha mẹ tôi đã tìm đến chỗ trọ học của tôi để thăm “đứa con gái gan lì nhất Phiêng Khá”. Giây phút gặp nhau, tôi khóc rất nhiều. Còn bố tôi không nói gì nhưng tôi biết ông đã hiểu và tha thứ cho tôi”.
Giúp dân phá bỏ cây thuốc phiện
Khi đã trở thành người có cái chữ đầu tiên ở Phiêng Khá, bà Phanh đã tham gia dân công mở đường cho pháo cao xạ lên dốc Đốc Bai, xã Chiềng Nơi (Mai Sơn). Đầu những năm thập kỷ 70, bà về công tác tại Hội Phụ nữ huyện Mai Sơn. Năm 1979, bà được cử xuống Hà Nội học Trường Phụ nữ Trung ương. Tốt nghiệp trở về, bà Phanh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Sau đó, bà tiếp tục theo học nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 1989 đến năm 2002, bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mai Sơn, trở thành người phụ nữ Khơ-mú đầu tiên ở Sơn La thành công trong sự nghiệp và học tập.
Bà Phanh bảo: “Tôi còn nhớ đó là năm 1993, khi Đảng và Nhà nước có chính sách phá và cấm trồng cây thuốc phiện, tôi đã hiểu đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lý, nhưng cũng là một việc làm rất khó đối với bà con vùng đồng bào dân tộc đã có thời quen trồng cây thuốc phiện từ nhiều năm nay. Nhưng đã là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước thì khó mấy cũng phải làm. Mà phải làm sao để bà con vui vẻ cùng giúp mình xóa bỏ cây thuốc phiện mới là giỏi”.
Bắt đầu từ quê hương Chiềng Nơi rồi đến Pá Men, Pá Hốc, Co Hịn... suốt một vệt dài của mảnh đất Mai Sơn, nơi nào có bóng dáng cây thuốc phiện là nơi ấy lại có dấu chân của bà Chủ tịch Hội Phụ nữ Lò Thị Phanh.
Ban đầu, công tác đi vận động, tuyên truyền vất vả lắm, có lúc bà con không hiểu đã có ác cảm với mình. Mỗi khi biết bà đến, họ cắm cây trước cổng ý rằng nhà không muốn có khách vào thăm. “Cũng không dám gỡ rào ra để vào đâu, mình biết đó là phong tục mà. Mình cứ đứng ngoài chờ vậy thôi.
Có một bữa, mình đến nhà một hộ tên là Sùng Súa Vừ, cứ đứng đợi mãi ngoài cổng, không ai cho vào. Thấy bọn trẻ lê la bẩn thỉu, mình đã dắt chúng ra suối tắm rửa sạch sẽ rồi lại đợi đến tối khi mà nhà Sùng Súa Vừ tháo cành cây trước cổng mình mới đi vào. Vào đến nơi thấy vợ Vừ đang giã gạo, mình cũng chạy ra giã gạo giúp, rồi trò chuyện, từ đó mới chuyển được cái thông điệp của Đảng và Nhà nước đến cho bà con.
Mình cứ nói thật thôi, mình nói về những tác hại của thuốc phiện, nếu bà con mình cứ trồng, cứ hút thì không chỉ người lớn khổ, mà tương lai của trẻ con làng bản cũng sẽ tối mịt mùng như đêm giưã rừng sâu kia. Phá cây thuốc phiện, Nhà nước và nhân dân sẽ trồng những cây lương thực khác, không sợ cái đói, cái khổ đâu”. Rồi “mưa dầm thấm lâu”, thấy “cái lý” của bà Phanh cũng hợp cái bụng của bà con dân bản, người nọ truyền người kia, mỗi người hiểu ra một tí, một thời gian sau, suốt một dải đại ngàn Mai Sơn, hàng nghìn hec ta đất trồng cây thuốc phiện đã được bà con hăng hái nhổ bỏ.
Nhớ lại những ngày cùng bà con đi nhổ cây thuốc phiện, bà Phanh bảo, nó chẳng khác gì ngày hội. Đi nhổ bỏ cây anh túc mà không khí rộn ràng, hồ hởi như đi thu hoạch vụ mùa. Thời đó, 1 ha thuốc phiện phá bỏ, bà con đã được Nhà nước hỗ trợ 20kg gạo và một buổi bà con đi phá sẽ được trả 2.000 đồng.
Hàng nghìn ha thuốc phiện được phá bỏ, thay vào đó là hàng nghìn hec ta đậu tương, ngô, dâu tằm... Với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà Chủ tịch Hội phụ nữ lại lặn lội đêm ngày giúp đỡ bà con tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Với những thành tích thiết thực đó, Bà Phanh đã vinh dự nhận được Bằng khen của thủ tướng Chính phủ ghi nhận là người đi đầu trong việc tuyên truyền và làm tốt việc xóa bỏ cây thuốc phiện của tỉnh. Sơn La.
Chăm lo cho trẻ lang thang cơ nhỡ
Lấy nhau từ thời son trẻ, đã qua mấy chục năm, ông bà vẫn hiếm muộn đường con cái. Nhưng từ những năm 80 của thế kỷ trước, ngôi nhà vách đất của ông bà đã trở thành bến đỗ bình yên của không ít trẻ lang thang cơ nhỡ. Ông bà nhận nuôi ăn học rồi dựng vợ gả chồng cho những đứa con nuôi bằng một tình yêu hiếm thấy. Các em Lò Thị Hương, Lò Thị Kim Dung, Lò Văn An... đến ở với ông bà từ thuở lên ba, giờ đây họ đã trở thành những giáo viên, cán bộ xã, con cái đuề huề. Hằng ngày họ lại mang con sang gửi ông bà ngoại. Trong ngôi nhà vách đất ấy, chúng lại bắt đầu những bữa cơm rau cháo và bi bô học chữ, học những điều hay lẽ phải và lòng tốt ở đời mà khi xưa, bố mẹ chúng đã từng được học.
Hiện tại, với đồng lương hưu ít ỏi, nhưng ông bà Phanh vẫn dành dụm tiền chăm sóc hai em Lò Thị Vân và Lò Văn Quân ăn học tại nhà- đó là niềm vui giản dị của ông bà trong những tháng ngày cuối đời của mình. Bà Phanh bảo, bà chỉ mong có nhiều sức khỏe để nuôi dạy hai đứa con ăn học trưởng thành và dựng vợ gả chồng cho chúng. Còn bản thân, bà cũng không mong ước điều gì, bởi những gì cần làm, cần sống thì bà đã sống với đúng lòng mình suốt cả thời son trẻ rồi. Bà luôn tự hào vì điều ấy.
Huyền- Quân (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển) [TT: H.T.N]