Mù Cang Chải: Gian nan bài toán xoá đói giảm nghèo

03:18 AM 08/11/2010 |   Lượt xem: 3013 |   In bài viết | 
Trong những năm qua, mặc dù huyện Mù Cang Chải đã được Đảng - Nhà nước đầu tư, hỗ trợ giúp đồng bào vùng cao xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều chương trình như cho vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ khai hoang ruộng lúa nước, hỗ trợ trồng rừng, đầu tư làm đường giao thông, xây dựng công trình thuỷ lợi, thuỷ điện và xóa nhà dột nát... nhưng do trình độ văn hóa cũng như nhận thức của người dân ở vùng cao còn hạn chế nên việc xoá đói giảm nghèo hiệu quả chưa cao.

Toàn huyện có 7.703 hộ với trên 48.023 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo là 4.176 hộ với 24.188 nhân khẩu, chiếm khoảng 54%. Trong tổng số 14 xã, thị trấn thì chỉ có duy nhất thị trấn Mù Cang Chải có tỷ lệ hộ nghèo ở mức gần 5%, còn lại hầu hết các xã tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, trong đó, các xã Cao Phạ, Nậm Có có tới gần 70% hộ nghèo. Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ được triển khai trong những năm qua, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhưng tỷ lệ tái nghèo của toàn huyện vẫn còn.

Điển hình là năm 2008, toàn huyện có 4.595 hộ nghèo, sau một thời gian triển khai thực hiện các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo đã có nhiều hộ có cuộc sống ổn định, đến năm 2009, toàn huyện có 880 hộ thoát nghèo nhưng lại có tới trên 460 hộ nghèo khác phát sinh bởi nhiều nguyên nhân.

Toàn xã Khao Mang có 623 hộ thì có tới trên 400 hộ nghèo. Hàng năm, chính quyền xã đã chủ động xây dựng kế hoạch xóa đói giảm nghèo cho dân. Trước tiên, xã thống kê các hộ nghèo ở từng bản cụ thể, sau đó tổ chức triển khai công tác phân công nhiệm vụ cho mỗi cán bộ xã phụ trách một bản. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, xã Khao Mang đã giảm được 50 hộ nghèo.

Để giảm được số hộ nghèo này, cán bộ được phân công phụ trách phải đến tận bản vận động, hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn như khai hoang ruộng lúa nước, vay vốn mua cây con, giống, hướng dẫn cách làm chuồng trại phát triển chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tích cực thâm canh, tăng vụ. Tuy nhiên, hầu hết các hộ nghèo là những người nhận thức cần hạn chế nên nếu thiếu sự giám sát, đôn đốc của cán bộ, chính quyền là họ lại lúng túng không thực hiện theo mô hình kinh tế mới, do đó không phát huy được tiềm lực của gia đình. Mặt khác, do thói quen trông chờ, ỉ lại chưa thực sự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đã dẫn đến sự tụt hậu về kinh tế hộ gia đình.

Ở xã Hồ Bốn, chuyện thiếu đất sản xuất hiện là vấn đề đáng quan tâm. Tuy Chương trình 134 đã có chính sách hỗ trợ việc khai hoang ruộng lúa nước, nhưng trên địa bàn không còn diện tích đất để tiếp tục khai hoang. Điều đáng nói là vấn đề dân số, khi tách hộ gia đình mới đang tạo thành sức ép gây nên thiếu đất sản xuất. Trong khi đó các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho vùng đặc biệt khó khăn sử dụng ít lao động địa phương, nên người dân không tìm kiếm được việc làm thêm, cuộc sống chỉ trông chờ vào thu nhập chính từ ruộng, nương. Người dân có nỗ lực cố gắng vươn lên đến mấy nhưng cũng chỉ có thể tạm ổn định cuộc sống, chưa thể thoát nghèo một cách bền vững.

Theo chính quyền các địa phương được hưởng chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Nhà nuớc thì chính sách hỗ trợ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo nếu thực hiện tốt sẽ là điều kiện tạo nên sự đổi mới ở nông thôn vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng thực tế, nhiều chính sách hỗ trợ triển khai còn chậm và không đồng bộ đến người dân, việc lồng ghép các dự án hỗ trợ chưa được quan tâm sâu sắc. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay và thời gian vay cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc đòi hỏi phải là nguồn vốn lớn, thời gian dài hạn.

Hiện nay hầu như các nguồn vay đều có thời hạn ngắn, lãi suất còn ở mức cao nên các hộ nghèo không dám vay hoặc được vay ít... Nếu như 1 hộ được vay vốn với số tiền là 15 triệu đồng để mua trâu, bò thì mới chỉ đủ mua 1 con, trong quá trình chăn nuôi phải mất 2 đến 3 năm trâu, bò mới có thể sinh sản, trong khoảng thời gian này người dân vẫn phải chịu trả lãi và phải đầu tư thức ăn, công chăm sóc cho gia súc.

Gia đình anh Lù A Khua ở bản Trống Lìa, xã Hồ Bốn có 5 nhân khẩu, đã nhiều năm nay sống trong căn nhà xiêu vẹo, tài sản trong nhà không có thứ gì đáng giá, thiếu ăn đối với gia đình là chuyện thường xuyên. Gặp chúng tôi, anh Khua tâm sự: "Mình muốn làm giàu lắm nhưng gia đình thiếu đất sản xuất, không có vốn không có kiến thức nên chỉ làm được ít lúa nương, thu về đạt 4 - 5 tạ/vụ và chỉ đủ ăn vài tháng thôi, gia đình phải đi làm công để kiếm thêm mới có thể sống quanh năm, cuộc sống của gia đình mình còn khổ lắm...".

Gia đình anh Sùng A Páo ở bản Khao Mang, xã Khao Mang thì khá hơn nhưng không ổn định. Anh cho biết: "Trước đây do không có đất sản xuất nên gia đình luôn thiếu gạo ăn vào lúc đói giáp hạt. Từ khi được hỗ trợ khai hoang ruộng và được vay vốn hộ nghèo với 15 triệu đồng, gia đình đã mua phân về bón cho cây lúa, cây ngô tươi tốt, đồng thời mua thêm gia cầm giống về chăn nuôi, gia đình có tăng thu nhập, cuộc sống đã ổn định hơn nhưng thời gian qua do ảnh hưởng khí hậu, thời tiết, mùa vụ bị thất thu, nay gia đình đang gặp khó khăn". Được biết của gia đình anh chưa trả hết tầm vay nên không thể vay vốn mới, chính vì thế mà gia đình anh Páo lại một lần nữa rơi vào tình trạng hộ tái nghèo như bao gia đình khác trên địa bàn.

Để tiếp tục nâng cao đời sống cho nhân dân ở các vùng, miền đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thông qua Đề án 30a, trong đó huyện vùng cao Mù Cang Chải cũng được hưởng chính sách này, nếu việc triển khai được đồng bộ và công tác quản lý nguồn vốn được thực hiện tốt thì sẽ tạo động lực giúp người dân thúc đẩy việc xóa đói nghèo. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ, đầu tư của Đảng - Nhà nước, các hộ nghèo được hưởng chính sách cũng nên phấn đấu tự vươn lên thì mới có thể thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.

Sùng Đức Hồng (Nguồn: Báo Yên Bái)