Đừng để hát Then bị bỏ quên

02:15 AM 25/11/2010 |   Lượt xem: 2523 |   In bài viết | 

Xã hội phát triển, hát then dần được sân khấu hóa, các ngôn từ được cải biên cho thích hợp với nhu cầu của cuộc sống, điều này khiến những lời ca cổ trong hát then dần mất đi.

Thực tế, nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ ngày càng thay đổi. Tình yêu với làn điệu hát then cũng vơi dần theo thời gian, thế hệ trẻ dần quên những giá trị văn hóa truyền thống.

Lòng yêu phai nhạt?

Nghệ nhân người Tày Hoàng Văn Tâm đang tham gia dạy hát then tại Nhà văn hoá tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Lời hát then ngày nay đã được cải biên cho phù hợp với xã hội. Làn điệu, nhịp, phách vẫn được giữ nguyên, nhưng lời then cổ đến nay còn rất ít người hiểu được ý nghĩa".

Kết thúc Liên hoan hát then lần thứ hai (năm 2007), đã có đề xuất xây dựng đề án trình lên UNESCO, đề nghị công nhận hát then là di sản phi vật thể của nhân loại. Đã 3 năm trôi qua, trong khi các nghệ nhân vẫn ngày đêm mong ngóng, nhưng đến nay đề án vẫn chỉ là "đề xuất".

Ông Chu Tấn Thanh- Vụ phó Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc, cho biết: "Sau khi kết thúc Liên hoan nghệ thuật hát then năm 2007, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ VH-TT&DL đã xây dựng đề án trình lên UNESCO đề nghị công nhận hát then là di sản phi vật thể thế giới. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hát then đang "xếp hàng" cuối cùng trong danh sách đó.

Cần ngay biện pháp khả thi

Cháu đã học hát then được gần 1 tháng ở lớp năng khiếu của trường. Dù rất cố gắng nhưng cháu chỉ có thể học được một - hai điệu đơn giản.

Cháu Ngọc Tuyết Anh học sinh lớp 4

- Trường Tiểu học Đông Kinh - TP. Lạng Sơn

Để gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát then, các nghệ nhân đang tự đứng ra tổ chức mô hình lớp học hát then và đàn tính. Những lớp học này dù đã có khá nhiều người tham gia nhưng vẫn chỉ là những lớp học tự phát, người học còn thiếu nền tảng âm nhạc cơ bản nên chất lượng chưa cao. Tương tự, các hội hát then vẫn mang tính chất tự quản, tự nguyện, tự trang trải kinh phí.

Như tâm sự của NSƯT Thủy Tiên từng công tác ở đoàn văn công tỉnh Lạng Sơn, muốn thể hiện tính tâm linh trong mỗi tác phẩm, phải có thời gian dài học hỏi, đúc kết, và phải có cái "duyên" với nghề.

NSƯT Thủy Tiên hy vọng: "Chúng tôi mong mỏi sẽ được bắt tay vào xây dựng các đề án bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát then. Chúng tôi rất chờ đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền cùng xã hội".

Trong khi đó, việc bảo tồn hát then vẫn đang gặp rất nhiều trở ngại. Ông Hoàng Văn Páo-Giám đốc Sở VH-TT&DL Lạng Sơn cho biết:

"Hiện nay, nghệ thuật hát then chủ yếu được lưu truyền trong dân gian và một số đơn vị nghệ thuật. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và hỗ trợ kinh phí để bảo tồn và phát triển loại hình này".

Thấm thoắt lại sắp tới Liên hoan hát then nghệ thuật toàn quốc lần thứ tư, tổ chức tại Lạng Sơn.

Ông Chu Tấn Thanh cho biết: "Chúng tôi đã thông báo tới các nghệ nhân hát then trên toàn quốc và nhận được được sự hưởng ứng tích cực”. Hy vọng từ nay đến thời điểm tổ chức liên hoan, sẽ có một số mô hình hay dự án khả thi nhằm ngay lập tức bảo tồn, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Hát then là môn nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, mang tính tín ngưỡng tâm linh có lịch sử lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là kho tàng đồ sộ về lịch sử, tín ngưỡng văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật và khả năng trình diễn của nghệ sĩ. Từ xưa, hát then cổ thường được sử dụng để trấn an tâm linh, cầu mùa, cầu an… chủ yếu là trong việc cúng bái.

Hoàng Minh-Công Trình (Nguồn: danviet.vn) [TT: H.T.N]