Nâng tầm Festival cho lễ hội Óoc Om Bóc

02:15 AM 25/11/2010 |   Lượt xem: 2927 |   In bài viết | 

Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh tụ hợp đông người Khmer nhất Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, chỉ riêng Sóc Trăng đã có hơn 400 ngàn dân Khmer theo Phật giáo Nam tông. Mùa Óoc Om Bóc năm nay, Sóc Trăng có 84 ngôi chùa Khmer tổ chức đội đua ghe ngo. Các tay đua được tuyển chọn ngay trong các phum sóc, luyện tập chờ ngày thi tài, trong đó có cả các ghe nữ khiến cho hội đua ghe ngo trở thành hoạt động được chờ đợi nhất trong năm nay ở vùng đồng bào Khmer.

Cũng dịp này, Hội chợ Thương mại, Du lịch, Đầu tư, Phát triển làng nghề gắn với Lễ hội Óoc Om Bóc tỉnh Trà Vinh năm 2010 được tổ chức. Đã có 200 đơn vị gồm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp... với 350 gian hàng triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh quy tụ ở đây. Sóc Trăng cũng tổ chức một hội chợ tương tự với 400 gian hàng nhằm phát triển làng nghề, giới thiệu văn hóa Khmer Nam bộ, ẩm thực đặc sắc của vùng sông nước miền Tây. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng có tham vọng xúc tiến đầu tư phát triển các nghề truyền thống như nghề làm bánh pía lạp xưởng, mè láo... Hội chợ sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời giới thiệu các tuyến điểm du lịch, tiềm năng kinh tế và kêu gọi các dự án đầu tư trên địa bàn Sóc Trăng... Ngoài ra, Sóc Trăng còn tổ chức bóng đá, bóng chuyền, bi sắt, cờ ốc và trọng tâm là đua ghe ngo. Ngoài các đội đua trong tỉnh, Hội đua ghe ngo của Sóc Trăng còn hội tụ đủ đại diện các đội của khu vực ĐBSCL... Không chỉ riêng đồng bào Khmer mà cả guồng máy chính quyền địa phương và người dân Nam bộ đã cuốn đi trong không khí náo nức của ngày lễ trọng cuối cùng trong năm.

Óoc Om Bóc vốn là lễ cúng trăng của dân tộc Khmer thường được tổ chức tại các ngôi chùa tọa lạc giữa các phum sóc. Đây là dịp người Khmer tạ lễ thần mặt trăng, cầu mùa màng bội thu và cầu phúc cho con trẻ. Tuy là một lễ hội truyền thống Khmer, nhưng đến nay, lễ hội Óoc Om Bóc đã lan tỏa trở thành đặc trưng văn hóa của miền Tây Nam bộ. Óoc Om Bóc theo tiếng Khmer nghĩa là đút và nuốt cốm để chỉ cách hành lễ đút cốm dẹp vào miệng trẻ của các sư trụ trì cho trẻ em trong vùng. Chính lễ là rằm tháng mười âm lịch, nhưng vào những ngày trăng sáng của tháng mười hầu hết các chùa đã diễn ra lễ dâng y cà sa, dâng bông cúng dường của phật tử theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông.

Tại chùa Xiêm Cán, một trong những trung tâm Phật giáo Nam tông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tổ chức lễ dâng bông, dâng y cà sa vào cận ngày rằm. Ông Thạch Quết, Trưởng ban quản trị chùa cho biết năm nay, có hai chủ lễ dâng y cà sa được xem là lễ lớn, còn lại rất nhiều phật tử trong vùng Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu nơi ngôi chùa tọa lạc dâng bông lên chùa và dự lễ đọc kinh cầu phúc. Dịp dâng y cà sa và dâng bông là ngày hội lớn, người dân đổ về khán lễ rất đông. Du khách viếng chùa đồng thời được chứng kiến bà con phật tử Khmer rước cây bông, lễ vật, dâng cà sa, vật dụng từ chén, bát, thìa, dĩa ăn cơm, cho tới vải vóc, lương thực cho chùa, khắp phum sóc mở hội cầu mùa, thả đèn, đua ghe ngo. Ngay từ trước ngày lễ một tuần, ngôi chùa Xiêm Cán có kiến trúc tuyệt đẹp này đã rất đông người trẩy hội. Đồng bào tập trung ở ngôi chùa để chung vui đêm cúng trăng, thả đèn gió, đèn nước, múa Lâm Thol, hát rô băm, dù kê... là các hoạt động vui chơi mang đậm truyền thống văn hóa của dân tộc Khmer.

Nhân dịp này, các đơn vị biên phòng trên tuyến biên giới Tây Nam bộ phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động lễ hội trong phum sóc. BĐBP Bạc Liêu tặng quà, tặng gạo cho những hộ đồng bào Khmer khó khăn. Các đơn vị đều bàn bạc thống nhất các phương án bảo đảm an toàn và giữ gìn an ninh trật tự dịp diễn ra lễ hội tại các ngôi chùa trên địa bàn với chính quyền địa phương và đại diện trụ trì các chùa. Mục tiêu cao nhất là hướng tới một mùa lễ hội toàn dân giàu bản sắc văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế, trật tự xã hội.

Thụy Văn (Theo Báo Biên phòng) [TT: H.T.N]